Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc, Quyen 2, 1928.pdf/82

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 75 —

Vậy đất 6 tỉnh Nam kỳ bây giờ là đất lấy của nước Chân-lạp.

8. Việc giao thiệp với nước Tiêm-la. — Tiêm-la là một nước ở về phía tây nam sông Mékong giòng dõi người Thái sang ở đấy.

Cứ theo sử ta và sử Tàu thì thoạt đầu tiên gọi là nước Phù-nam 扶 南. Đến quãng nhà Tùy nhà Đường bên Tàu là vào quãng thế-kỷ thứ 6; thứ 7 thì đất Phù nam chia ra làm hai: một nửa về phía đông có một dân-tộc khác đến lập ra nước Chân-lạp 真 臘 còn một nửa về phía tây thì người Phù-nam ở, gọi là nước Xích-thổ 赤 土.

Vào quãng nhà Tống, nhà Kim (thế-kỷ thứ 11 thứ 12) thì nước Xích-thổ lại chia ra làm hai: một nước gọi là La-đấu 羅 斛, một nước gọi là Tiêm 暹. Lúc nhà Nguyên làm vua bên Tàu (thế-kỷ thứ 13, thứ 14) thì sử có chép hai nước ấy sang cống.

Về sau nước La đấu gồm được cả nước Tiêm, mới gọi là nước Tiêm la đấu 暹 羅 斛. Đến đầu nhà Minh (cuối thế-kỷ thứ 14) vua nước ấy sang cầu phong bên Tàu, vua Thái-tổ nhà Minh mới phong là nước Tiêm-la 暹 羅.

Nước Tiêm la lúc đầu còn nhỏ yếu thường bị người Chân lạp áp chế. Sau cường thịnh dần dần lên, rồi vào khoảng năm Vạn-lịch (1573-1620) nhà Minh, nước Tiêm-la lại đánh Chân lạp mà hùng bá cả phương ấy.

Trong thời ấy vua Tiêm-la là Phra Naroi dòng dõi nhà Ayouthia dùng một người Hi-lạp tên là Constantin Phaulcon làm tướng. Người ấy xin vua giao-thiệp với nước Pháp. Bởi vậy năm 1620 mới có bọn sứ-thần Tiêm-la sang bái yết Pháp-hoàng Louis XIV ở tại Versailles.

Thuở bấy giờ chúa Nguyễn còn đang khai sáng ở đất Phú yên, Khánh-hòa. Nhưng về sau chúa Nguyễn lấy hết đất Chiêm-thành lại lấn sang đất Chân-lạp. Người Tiêm-la có ý muốn ngăn trở để giữ lấy đất Chân-lạp làm của mình. Nhưng vì thế chúa Nguyễn mạnh hơn, cho nên phải chịu để chúa Nguyễn sang bảo-hộ Chân-lạp.