Tuy vậy nước Tiêm-la thường hay dùng những người phản đối với vua Chân-lạp, rồi giúp binh lực cho về làm loạn trong nước. Nhiều khi quân ta phải sang đánh đuổi quân Tiêm-la để giúp quốc-vương Chân-lạp. Cũng có khi quân Tiêm-la sang đánh ở đất Hà-tiên, như năm ất-vị (1715) người Chân-lạp là Nặc-Thâm đem quân Tiêm-la sang cướp phá, quan tổng-binh Hà-tiên là Mạc-Cửu phải bỏ thành mà chạy.
Quân ta và quân Tiêm-la đã giao chiến nhiều lần, cho nên hai bên không thông sứ với nhau. Mãi đến năm canh-ngọ (1750) đời chúa Nguyễn là Võ-vương Nguyễn-phúc-Khoát thì mới thấy sử chép rằng chúa sai quan đem thư sang trách nước Tiêm-la dung túng kẻ nghịch thần để làm loạn nước Chân-lạp.
Năm ất-hợi (1755) nước Tiêm-la sai sứ sang xin đừng đánh thuế những thuyền của nước ấy sang buôn bán ở đất chúa Nguyễn. Chúa đáp thư lại rằng thuế ấy là quốc-lệ đã đặt ra không thể bỏ đi được.
Năm đinh-hợi (1767) quân nước Diến điện 緬 甸 sang đánh Tiêm la bắt được vua nước ấy là Phong-vương 瘋 王[1] và con là Chiêu-Đốc 昭 督 cùng mấy vạn người dân đem về Diến-điện. Còn những người con của Phong-vương là Chiêu-Xi-Khống 昭 侈 腔 thì chạy sang Chân-lạp và Chiêu-Thúy 昭 翠 thì chạy sang Hà-Tiên.
Bấy giờ nước Tiêm-la không có vua, chức Phi-nhã (Phya) đất Mang-tát là Trịnh Quốc-Anh 鄭 國 英 bèn khởi binh tự lập làm vua. Trịnh Quốc-Anh là người Triều-châu, tỉnh Quảng-đông, cha tên là Yển 偃 sang ở đất Tiêm-la làm trưởng ở Mang-tát. Yển chết, Trịnh Quốc-Anh lên nối nghiệp xưng là Phi-nhã, là một chức xã-trưởng vậy.
Trịnh-quốc-Anh lên làm vua rồi sai sứ sang bắt vua Chân lạp là Nặc-Tôn phải sang cống. Nặc-Tôn lấy lẽ rằng
- ▲ Vua nước Tiêm-la bấy giờ có bệnh hủi, cho nên sử gọi là Phong-vương.