Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/126

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
(Đổi hướng từ Trang:Viet Nam Su Luoc.djvu/126)
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

long, các quan bàn rằng: xứ ấy vẫn không phải là đất của triều-đình, bây giờ mất cũng không hại gì. Vì thế, chỉ sai Trịnh tự Quyền 鄭 自 權 đem 27 cơ vào giữ đất Nghệ-an. Trịnh tự Quyền thu-xếp hơn 10 ngày chưa xong, đến khi đi được độ 30 dặm thì đã có tin báo Tây-sơn đến đóng ở sông Vị-hoàng rồi. Tự Quyền bèn đem quân xuống giữ ở mặt Kim-động 金 洞. Quan trấn-thủ Sơn-nam là Bùi thế Dận 裴 世 胤 đem bộ binh xuống đóng ở xã Phù-sa, thuộc huyện Đông-an. Đinh tích Nhưỡng 丁 錫 壤 đem thủy-quân ra giữ cửa Luộc. Bấy giờ gió đông-nam thổi to, đến đêm Nguyễn Huệ sai lấy tượng gỗ để lên trên mấy chiếc thuyền rồi đánh trống kéo cờ thả thuyền cho trôi đi. Đinh tích Nhưỡng trông thấy tưởng là quân Tây-sơn đến đánh, giàn thuyền ra thành trận chữ nhất, rồi truyền lấy súng mà bắn. Bắn mãi, sau mới biết người trên thuyền là tượng gỗ. Lúc quân Tây-sơn tiến lên đánh, thì Đinh tích Nhưỡng hết cả thuốc đạn, phải bỏ thuyền mà chạy. Quân của Bùi thế Dận và Trịnh tự Quyền cũng tan cả. Nguyễn Huệ hạ được thành Sơn-nam, rồi một mặt truyền hịch đi các lộ nói lấy nghĩa phù Lê diệt Trịnh, một mặt kéo quân lên lấy Thăng-long.

Bấy giờ ở kinh thành thì quân kiêu-binh không sai khiến được, mà quân Tây-sơn thì đã đến nơi rồi. Trịnh Khải mới cho gọi Hoàng phùng Cơ 黄 馮 基 ở Sơn-tây về, đem quân đóng ở hồ Vạn-xuân (xã Vạn-phú, Thanh-trì) còn thủy-binh thì đóng ở bến Tây-long (Thọ-xương) để phòng giữ. Quân Tây-sơn tiến lên đánh tan thủy-quân của nhà Trịnh, Hoàng phùng Cơ phải bỏ chạy. Trịnh Khải mặc áo nhung-y cầm cờ lên voi thúc quân vào đánh, nhưng thế Tây-sơn mạnh lắm, đánh không được, Trịnh Khải bỏ chạy lên Sơn-tây. Đi đến làng Hạ-lôi, huyện Yên-lãng, gặp tên Nguyễn Trang 阮 莊 đánh lừa bắt đem nộp cho Tây-sơn. Trịnh Khải về đến làng Nhất-chiêu lấy gươm cắt cổ tự tận. Bấy giờ là năm Bính-ngọ (1786). Nguyễn Huệ cho lấy vương lễ mà tống-táng cho chúa Trịnh, rồi vào thành Thăng-long yết-kiến vua Lê.

Họ Trịnh giúp nhà Lê trung-hưng lên, rồi giữ lấy quyền-chính, lập ra nghiệp chúa, lưu truyền từ Trịnh Tùng đến Trịnh Khải được 216 năm (1570-1786) đến đấy là hết.