Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/303

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
(Đổi hướng từ Trang:Viet Nam Su Luoc.djvu/303)
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

trọng-đãi và có điều gì trang-trải cũng còn dễ. Từ năm kỷ-mão (1879) về sau, ông ấy về Pháp rồi, sự giao-thiệp càng ngày càng khó thêm: phần thì vì người mình không biết cách giao-thiệp với ngoại-quốc, phần thì cái quyền-lợi nước ta và nước Pháp lúc bấy giờ tương-phản với nhau, cho nên hai bên không có lòng tin-cậy nhau, thành ra sự giao-thiệp không được thân-thiết lắm.

Vả về sau, sự cai-trị ở Nam-kỳ đã thành nếp, giặc-giã đã yên cả; ở bên Pháp thì thế-lực đã mạnh, và đã có nhiều người bàn đến việc bên Viễn-đông này và việc bảo-hộ ở Bắc-kỳ. Lại nhân có những nước I-ta-ly, I-pha-nho, Anh-cát-lợi và Hoa-kỳ muốn sang thông thương với nước Nam, mà có ý không muốn chịu để quan nước Pháp phân-xử những việc can-thiệp đến người những nước ấy. Bởi vậy nước Pháp muốn lập hẳn cuộc bảo-hộ để cho khỏi mọi sự lôi thôi, bèn bỏ lệ đặt quan hải-quân khiêm lĩnh chức thống-đốc ở Nam-kỳ, mà sai quan văn sang sung-chức ấy để trù-tính mọi việc.

Tháng 6 năm kỷ-mão (1879), viên thống-đốc mới là ông Le Myre de Vilers sang nhận chức ở Sài-gòn và ông Rheinart lại sang làm khâm-sứ ở Huế để thay cho ông Philastre.

Ở Bắc-kỳ thì người Pháp đã ra vào buôn-bán, nhưng vì quan ta không biết lo sự khai-hóa, việc thông thương không được tiện-lợi, và ở mạn thượng-du thì quân cờ đen tuy là mượn tiếng theo lệnh quan ta, nhưng kỳ thực chúng nó làm gì cũng không ai ngăn-cấm được. Bởi vậy, chính-phủ Pháp mới lấy những điều đó mà trách quan ta và sai quan đem quân ra Bắc-kỳ, lấy cớ nói ra mở-mang buôn-bán, kỳ thực là ra kinh-doanh việc ở vùng ấy.