thìn (1700) đời vua Lê Hi-tông, người Hòa-lan thôi không vào buôn-bán ở ngoài Bắc nữa.
Đời bấy giờ người Anh-cát-lợi và người Pháp-lan-tây cũng vào buôn-bán ở nước ta. Năm nhâm-tí (1672) đời vua Lê Hi-tông, người Anh-cát-lợi đem chiếc tàu Zant vào xin mở cửa hàng buôn-bán, chúa Trịnh cho xuống ở Phố-hiến, nhưng vì sau sự buôn-bán không được thịnh-lợi, người Anh-cát-lợi chỉ ở đến năm đinh-sửu (1697) rồi thôi.
Còn người Pháp-lan-tây thì từ năm canh-thân (1680) đã có tàu vào xin mở cửa hàng ở Phố-hiến; đến năm nhâm-tuất (1682) lại có chiếc tàu Saint Joseph ở Tiêm-la sang đem phẩm-vật dâng chúa Trịnh.
Ở trong Nam thì năm bính-dần (1686) có người Pháp tên là Verret được phép mở cửa hàng ở cù-lao Côn-lôn. Đến năm kỷ-tị (1749) lại có một người Pháp tên là Poivre đi chiếc tàu Machault vào cửa Hội-an, xin vào yết-kiến chúa Nguyễn và dâng tờ quốc-thư cùng phẩm-vật để tỏ tình giao hiếu của hai nước. Chúa Nguyễn cũng đáp thư lại, thuận cho người Pháp vào thông-thương. Nhưng chẳng được bao lâu thì công-ty của Pháp ở Ấn-độ bãi đi, cho nên sự thông thương với người Pháp cũng bãi.
2. SỰ ĐI TRUYỀN-GIÁO. Đạo Thiên-chúa. Nguyên khi xưa toàn xứ Âu-la-ba không có nhất-định một tông-giáo nào cả. Mỗi dân-tộc thờ một vị thần riêng của mình. Thường hay lấy cái lực hoạt-động của tạo-hóa mà tưởng-tượng ra các vị thần, rồi làm đền, làm đài, để thờ cúng. Như dân-tộc Hi-lạp (Grec) và dân-tộc La-mã (Romain) thờ thần Giu-bi-te (Jupiter), thần A-bô-lông (Apollon) và các vị thần khác vậy. Duy có dân-tộc Do-thái (Juifs) ở đất Tiểu Á-tế-á, nay là đất Palestine đã được độc-lập, chỉ thờ một vị thần gọi là Jéhovah ở thành Gia-lỗ-tân-lĩnh (Jérusalem). Dân ấy tin rằng thần Jéhovah sinh-hóa vạn vật và người; cho nên người chỉ phải thờ một vị thần ấy mà thôi. Đến đời dân La-mã đã kiêm-tính được cả đất Tiểu Á-tế-á, đất bắc A-phi-lị-gia và đất tây-nam Âu-la-ba, dân Do-thái cũng thuộc về La-mã, mà đạo Do-thái bấy giờ cũng đã suy lắm rồi. Lúc ấy đức Gia-tô ra đời, nhân-đạo Do-thái mà lập ra