Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/191

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Dịch nôm là:

Ái-châu nghe nói lắm người hay,
Ao-ước cầu hiền đã bấy nay.
Ngọc phác Kinh-sơn tài sẵn đó,
Ngựa kỳ Ký-bắc biết lâu thay.
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.
Sơn tể phen này dù gặp-gỡ,
Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.

Tưởng bài thơ này chẳng qua là lời-lẽ của người thiếu-niên nói ngông mà thôi, không ngờ tên Hiệu đưa cho Nguyễn hữu Nghi 阮 祐 儀 xem, Hữu Nghi xui tên Hiệu đi cáo với Lê văn Duyệt. Lê văn Duyệt vốn ghét Nguyễn văn Thành, nay thấy bài thơ này, nắm lấy đem vào tâu vua, vua sai bắt Nguyễn văn Thuyên đem bỏ ngục. Bấy giờ triều-thần có nhiều người bẻ tội ông Thành. Một hôm bãi triều rồi, ông Thành chạy theo nắm lấy áo vua mà kêu khóc rằng: « Thần theo Bệ-hạ từ thủa nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xẻ, Bệ-hạ nỡ lòng nào ngồi nhìn để người ta giết thần mà không cứu? ». Vua Thế-tổ giật áo ra đi vào cung, rồi từ đó cấm không cho ông Thành vào chầu nữa, và sai Lê văn Duyệt đem con Nguyễn văn Thành ra tra hỏi, bắt phải nhận tội. Nguyễn văn Thành sợ tội, uống thuốc độc mà chết, còn Nguyễn văn Thuyên thì phải chém.

Đặng trần Thường 鄧 陳 常 người ở Chương-đức (tức là huyện Chương-mỹ, tỉnh Hà-đông bây giờ) có tài văn-học, trốn Tây-sơn vào Gia-định theo giúp vua Thế-tổ làm đến Binh-bộ thượng-thư. Sau vì làm gian sắc phong-thần cho Hoàng ngũ Phúc là tướng nhà Trịnh vào bậc phúc-thần, triều-đình làm án phải tội chém. Nhưng rồi lại được tha. Đặng trần Thường vốn có hiềm với Lê Chất, cho nên Lê Chất mới bới những việc như là khi ra coi tào binh ở Bắc-thành, có chiếm giữ đầm ao và ẩn-lậu đinh-điền, v.v. Lại bị bắt bỏ ngục và xử phải tội giảo.