Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/216

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Quan quân một mặt thì đánh đuổi quân Tiêm, một mặt thì vây đánh thành Phiên-an, Lê văn Khôi hết sức chống giữ, nhưng đến tháng chạp năm ấy thì phải bệnh chết. Tuy vậy, quân ngụy ở trong thành cứ chống-giữ mãi, non ba năm trời quan quân mới hạ được thành.

Thành Phiên-an là thành của ông Lê văn Duyệt xây xong năm Minh-mệnh thứ 11 (1830). Xây toàn bằng đá ong, thành cao và rộng, hào sâu, ở trong thành lại có đủ cả lương-thực khí-giới, cho nên quan quân đánh thành lần nào cũng bị chết hại nhiều người, mà không lấy được. Mãi đến tháng 7 năm ất-tị (1835), quân ngụy ở trong thành đã mỏi-mệt lắm rồi, tướng quân là Nguyễn Xuân 阮 春 và Nguyễn văn Trọng 阮 文 仲 mới hạ được thành và vào bắt giết quân giặc cả thảy đến 1.831 người, đem chôn vào một chỗ, nay gọi là « mả ngụy ». Còn những người thủ-phạm thì đóng cũi đem về Kinh trị tội.

Ông J. Silvestre chép truyện Lê văn Khôi khởi loạn ở Gia-định[1] nói rằng trong 6 người thủ-phạm phải đóng cũi giải về Huế, có một ông linh-mục người nước Pháp tên là Marchand (bấy giờ gọi là cố Du), một người khách tên là Mạch tấn Giai và một đứa con của Khôi, mới lên 7 tuổi.

Việc ông cố Marchand thì đã nhiều người bàn đi bàn lại: người thì bảo ông ấy có ý muốn làm như ông Bá-đa-lộc, để giúp Lê văn Khôi lập nên một nước theo đạo Thiên-chúa ở Gia-định, người thì bảo ông ấy bị Lê văn Khôi bắt vào trong thành. Việc ấy vẫn phân-vân không rõ hẳn ra thế nào.

Đến khi về đến Huế thì ông Marchand và 5 người kia đều phải tội lăng-trì. Thiết-tưởng dẫu thế nào mặc lòng, đem một đứa con vô tội và 2 người ngoại quốc ra làm cái tội thảm hình ấy, thì thật gớm-ghê quá. Tục Á-đông ta trước hay dùng những nhục hình như là tội lăng-trì, tội ngựa xé, tội voi dày v.v. thì thật là dã-man vô cùng, ngày nay ai nghĩ đến cũng phải ghê mình.

  1. Xem tập tạp-chí « Revue Indochinoise » số 7-8 năm 1915 và quyển An-nam sử lược « Abrégé de l'histoire d'Annam » của ông A. Schreiner.