Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/241

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

Tháng chín năm ấy, Chất Tri sai người sang xin hòa. Qua tháng mười thì Nguyễn tri Phương, Doãn Uẩn và Chất Tri ký tờ hòa-ước ở nhà hội-quán, hai nước đều giải binh. Nguyễn tri Phương rút quân về đóng ở Trấn-tây, đợi quân Tiêm thi-hành những điều ước đã định.

Tháng chạp năm bính-ngọ (1846), Nặc ông Đôn dâng biểu tạ tội và sai sứ đem đồ phẩm-vật sang triều-cống.

Tháng hai năm đinh-vị (1847) là năm Thiệu-trị thứ bảy, Triều-đình phong cho Nặc ông Đôn làm Cao-miên quốc-vương và phong cho Mỹ-lâm quận-chúa làm Cao-miên quận-chúa. Lại xuống chiếu truyền cho quân thứ ở Trấn-tây rút về An-giang.

Từ đó nước Chân-lạp lại có vua, và việc ở phía nam mới được yên vậy.

4. VIỆC GIAO-THIỆP VỚI NƯỚC PHÁP. Từ khi vua Hiến-tổ lên trị-vì, thì sự cấm đạo hơi nguôi đi được một ít. Nhưng mà triều-đình vẫn ghét đạo, mà những giáo-sĩ ngoại quốc vẫn còn giam cả ở Huế. Có người đưa tin ấy cho trung-tá nước Pháp tên là Favin Lévêque coi tàu Héroine. Ông Favin Lévêque đem tàu vào Đà-nẵng xin cho năm người giáo-sĩ được tha.

Qua năm ất-tị (1845) là năm Thiệu-trị thứ năm có một giám-mục tên Lefèbvre phải án xử tử. Bấy giờ có người quản tàu Mỹ-lợi-kiên ở Đà-nẵng xin mãi không được, mới báo tin cho hải quân thiếu-tướng nước Pháp là Cécile biết. Thiếu-tướng sai quân đem chiếc tàu Alemène vào Đà-nẵng lĩnh giám-mục ra.

Năm đinh-vị (1847) quan nước Pháp được tin rằng ở Huế không còn giáo-sĩ phải giam nữa, mới sai đại-tá De Lapierre và trung-tá Rigault de Genouilly đem hai chiếc chiến thuyền vào Đà-nẵng, xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tự do theo đạo mới.

Lúc hai bên còn đang thương-nghị về việc ấy, thì quan nước Pháp thấy thuyền của ta ra đóng gần tàu của Pháp,