nhà nước mới tìm cách lấy tiền, bèn cho người khách tên là Hầu lợi Trịnh 侯 利 貞 trưng thuế bán thuốc nha-phiến từ Quảng-bình ra đến Bắc-kỳ. Sử chép rằng đồng niên nhà vua thu được có 302.200 quan tiền thuế nha-phiến.
Nhà vua lại định lệ cho quyên từ 1.000 quan trở lên thì được hàm cửu-phẩm, lên đến 10.000 quan thì được hàm lục-phẩm, nghĩa là phải dùng lối đời trước bán quan để lấy tiền.
6. VIỆC VĂN-HỌC. Vua Dực-tông là một ông vua hay chữ nhất đời nhà Nguyễn, cho nên ngài trọng sự Nho-học lắm. Ngài chăm về việc khoa-giáp, sửa-sang việc thi-cử đặt ra Nhã-sĩ-khoa 雅 士 科 và Cát-sĩ-khoa 吉 士 科, để chọn lấy người văn-học ra làm quan.
Ngài lại đặt Tập-hiền-viện 集 賢 院 và Khai-kinh-diên 開 經 延 để ngài ngự ra cùng với các quan bàn sách-vở, làm thơ-phú hoặc nói chuyện chính-trị. Lại sai quan soạn bộ Khâm-định Việt-sử 欽 定 越 史, từ đời thượng-cổ cho đến hết đời nhà Hậu Lê.
7. VIỆC BINH-CHẾ. Đời vua Dực-tông lắm giặc-giã, nhà vua cần đến việc võ, nên chi năm tân-dậu (1861) là năm Tự-đức thứ 14 mới truyền cho các tỉnh chọn lấy những người khỏe-mạnh để làm lính võ-sinh. Đến năm ất-sửu (1865) là Tự-đức thứ 18 lại mở ra khoa thi võ tiến-sĩ.
Tuy rằng lúc bấy giờ nước mình có lính võ-sinh, có quan võ-tiến-sĩ, nhưng mà thời-đại đã khác đi rồi, người ta đánh nhau bằng súng nạp hậu, bằng đạn trái-phá chứ không bằng gươm bằng giáo như trước nữa. Mà quân-lính của mình mỗi đội có 50 người thì chỉ có 5 người cầm súng điểu-thương cũ, phải châm ngòi mới bắn được, mà lại không luyện-tập, cả năm chỉ có một lần tập bắn. Mỗi người lính chỉ được bắn có 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phải bồi-thường.
Quân-lính như thế, binh-khí như thế, mà quan thì lại cho lính về phòng, mỗi đội chỉ để độ chừng 20 tên tại ngũ mà thôi. Vậy nên đến khi có sự, không lấy gì mà chống giữ được.