thế mà thôi, vẫn không đủ để sinh-tồn trong cái thời-đại quyền-lợi cạnh tranh, quyền-mưu quỉ-quyệt, trí-thuật gian-trá. Cho nên trong khi người tiến thì ta thoái, người thịnh thì ta suy.
Đại-khái, cái trình-độ của bọn sĩ-phu ở nước ta lúc bấy giờ là thế, cho nên vận nước suy đến nơi mà hồn người vẫn mê-muội ở chỗ mơ-màng mộng-mị. Bọn sĩ-phu là người có học, làm tai làm mắt cho mọi người mà còn kém-cõi như thế, thì bảo dân-gian khôn-ngoan làm sao được ?
3. SỰ SINH-HOẠT CỦA NGƯỜI TRONG NƯỚC. Tình-thế trong nước như đã nói trên, công-nghệ không có, buôn-bán không ra gì, trừ việc cày-cấy làm ruộng ra thì người nghèo-đói không có nghề-nghiệp gì mà làm ăn cả, cho nên thủa ấy tuy một tiền được bốn bát gạo, mà vẫn có người chết đói, vì rằng giá gạo thì rẻ, nhưng kiếm được đồng tiền thật là khó. Người đi làm thuê khôn-khéo, thì mới được một ngày một tiền, không thì chỉ được 18 hay 30 đồng tiền mà thôi. Sự làm-ăn ở chỗ thôn-quê đã vất-vã mà lại thường bị nhiều sự hà-lạm, ai có đồng tiền ở trong nhà thì lo sợ đủ mọi đường: nào sợ kẻ gian-phi trộm-cắp, nào sợ giặc đêm giặc ngày cướp-phá, cho nên phải chôn phải giấu cho kín.
Nhà-cửa phần nhiều là nhà tranh nhà lá, ít khi có nhà ngói nhà gạch. Kiểu nhà làm cũng phải theo kiểu thường mà làm, chứ không được làm nhà lầu và nhà kiểu chữ công 工 hay kiểu chữ môn 門. Ai làm nhà cửa mà không theo đúng phép, thì cho là lộng hành, phải tội.
Cách ăn-mặc thì chỉ có đồ vải đồ nâu, người nghèo-khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối. Người sung-túc mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần hoặc nhuộm nâu hoặc để trắng, chứ không được mặc đồ gấm đồ vóc và đi giày. Nhà vua cấm như thế, là cũng có ý muốn cho dân không quen thói xa-hoa hoang-phí, chỉ trừ những người làm quan làm tư mới có cái đặc ân được ăn-mặc hơn người. Cũng vì thế cho nên người trong nước ai cũng mong được đi làm quan cho