Phúc đã kéo về đóng ở gần phủ Yên-bình và phủ Đoan-hùng. Đến tháng 11 thì quân Tàu giữ cả các chỗ hiểm-yếu, để chặn đường không cho quân Pháp ở trung-châu lên tiếp-ứng, rồi Lưu vĩnh Phúc đem quân lên đánh thành Tuyên-quang; đánh mãi đến 15 tháng chạp mới vây được thành. Quân cờ đen dùng đủ kế để phá thành, mà quân Pháp ở trong thành cũng cố hết sức để chống giữ.
Lúc ấy quân Pháp đã lấy được thành Lạng-sơn rồi, trung-tướng Brière de l'Isle liền để thiếu-tướng De Négrier ở lại giữ thành, đến ngày mồng 2 tết đem quân đi đường đồn Chũ về Hà-nội, rồi lập tức lên cứu Tuyên-quang. Ngày 13 tháng giêng năm ất-dậu, thì lên đến Đoan-hùng, rồi sang sông Chảy. Quân Tàu và quân Pháp giao-chiến từ đó cho đến ngày 16, mới giải được vây. Trận ấy quân hai bên thiệt-hại cũng nhiều, nhưng quân Tàu không địch được quân Pháp, phải vội-vàng giải vây mà rút lên mạn ngược.
7. MẤT THÀNH LẠNG-SƠN. Thành Tuyên-quang vừa giải vây xong, thì ở Lạng-sơn lại khởi sự giao-chiến. Quân Tàu tuy đã thua phải bỏ thành Lạng-sơn, nhưng quan đề-đốc Quảng-tây là Phùng tử Tài 馮 子 材 vẫn đóng đại-đồn ở Long-châu, chực sang đánh lấy lại Lạng-sơn,
Ngày mồng 6 tháng 2 năm ất-dậu (1885), quân Tàu sang đánh Đồng-đăng, thiếu-tướng De Négrier đem quân lên cứu, rồi chực đánh sang Long-châu. Quân Pháp đánh trong 2 ngày, chết hại mất non 200 người. Đến mồng 8, thiếu-tướng rút quân về Lạng-sơn, còn những người bị thương thì đem về đồn Chũ. Quân Pháp đóng ở Lạng-sơn bấy giờ có 35.000 người.
Ngày 13 thì quân Tàu tràn sang đánh Kỳ-lừa, thiếu-tướng De Négrier bị thương nặng, phải giao quyền lại cho trung-tá Herbinger, để chống với quân Tàu. Nhưng bấy giờ quân Tàu sang đông quá, trung-tá phải bỏ thành Lạng-sơn rút về Tuần-muội, rồi về đồn Chũ và đồn Kép.