Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam Su Luoc 2.pdf/70

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
60 – VIỆT-NAM SỬ-LƯỢC
 

nhưng vì có lắm sự nhũng-lạm cho nên đến năm quí-dậu (1753) Trịnh Doanh mới bỏ sở đúc tiền ở các trấn, mà chỉ để hai sở gần đất Kinh-sư mà thôi. Đến năm bính-thân (1776) đời Cảnh-hưng vua Hiến-tông, khi họ Trịnh đã lấy được đất Thuận-hóa rồi, lại mở lò đúc tiền ở Phú-xuân, đúc ra 3 vạn quan tiền Cảnh-hưng nữa.

Đời bấy giờ cũng có đúc ra bạc lạng để tiêu dùng. Mỗi một lạng là 10 đồng, mỗi đồng giá hai tiền. Bạc ấy chặt ra mà tiêu cũng được.

11. SỰ ĐONG-LƯỜNG. Sự đong-lường thì trước vẫn theo lối cũ, cứ 6 hạp 合 là một thăng 升, nhưng từ năm giáp-thìn (1664) ông Phạm công Trứ định lại, lấy một cái ống gọi là hoàng-chung-quản 黄 鐘 管 làm chừng. Cái ống ấy đựng được 1.200 hột thóc đen, gọi là một thược 龠, rồi cứ 10 thược làm một hạp, 10 hạp làm một thăng, 10 thăng làm một đấu, 10 đấu làm một hộc.

12. VIỆC IN SÁCH. Người nước ta học chữ Nho đã lâu mà những sách học như là Tứ-thư, Ngũ-kinh toàn thị dùng sách in của Tàu cả. Năm giáp-dần (1734) đời vua Thuần-tông, Trịnh Giang mới bắt khắc bản in, in các sách phát ra mọi nơi và cấm không cho mua sách in bên Tàu nữa. Ấy cũng là một sự lợi cho sự tài-chánh của nước ta.

13. VIỆC HỌC-HÀNH THI-CỬ. Sự học-hành về đời Hậu-Lê, thì đại-khái cũng giống như đời Tiền-Lê, trong nước ở đâu cũng lấy Nho-học làm trọng. Ở Quốc-tử-giám thì đặt quan Tế-tửu và quan Tư-nghiệp để làm giảng-quan, mỗi tháng một lần tiểu tập, ba tháng một lần đại tập.

Còn việc thi-cử là việc nhà nước chọn lấy nhân-tài để dùng làm việc nước, thì đời nào cũng có. Từ khi nhà Mạc và nhà Lê tranh nhau ngôi vua, Bắc-triều họ Mạc vẫn mở khoa thi ở Thăng-long; Nam-triều họ Lê vì bận việc binh, cho nên đến mãi năm canh-thìn (1580) mới mở khoa thi Hội ở Tây-đô; từ đó về sau cứ ba năm một kỳ thi Hội, nhưng mà cách-thức thi-cử còn sơ-lược, đến năm giáp-thìn