là đến nỗi mất nước với chúa Nguyễn mà chủng-loại Chiêm-thành bây giờ cũng chẳng còn được mấy nghìn người nữa. Một nước trước như thế, mà nay như thế, dẫu rằng nước ấy đồng hóa với nước ta mặc lòng, song nghĩ cũng thương-tâm thay cho những nước yếu-hèn không tránh khỏi được cái họa: cá nhỏ bị cá lớn nuốt.
7. MỞ ĐẤT NAM-VIỆT VÀ SỰ GIAO-THIỆP VỚI CHÂN-LẠP. Nguyên nước Chân-lạp ở vào quãng dưới sông Mê-kông, có lắm sông nhiều ngòi, ruộng đất thì nhiều mà nước Nam ta thường hay mất mùa, dân-tình phải đói khổ luôn, và lại vào lúc chúa Nguyễn, chúa Trịnh đánh nhau, cho nên nhiều người bỏ vào khẩn đất, làm ruộng ở Mô-xoài (Bà-rịa) và ở Đồng-nai (nay thuộc Biên-hòa).
Năm mậu-tuất (1658) vua nước Chân-lạp mất rồi, chú cháu tranh nhau, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem 3.000 quân sang đánh ở Mỗi-xuy 每 吹 (nay thuộc huyện Phước-chánh, tỉnh Biên-hòa) bắt được vua nước ấy là Nặc ông Chân 匿 翁 真 đem về giam ở Quảng-bình một độ, rồi tha cho về nước, bắt phải triều-cống và phải bênh-vực người Việt-nam sang làm ăn ở bên ấy.
Năm giáp-dần (1674), nước Chân-lạp có ngươi Nặc ông Đài 匿 翁 苔 đi cầu-viện nước Tiêm-la để đánh Nặc ông Nộn 匿 翁 嫩.
Nặc ông Nộn bỏ chạy sang cầu cứu ở dinh Thái-khang (nay là Khánh-hòa). Chúa Hiền bèn sai Cai-cơ đạo Nha-trang là Nguyễn dương Lâm 阮 揚 林 cùng với Nguyễn đình Phái 阮 廷 派 làm tham-mưu đem binh chia ra hai đạo sang đánh Nặc ông Đài, phá được đồn Sài-gòn 柴 棍, rồi tiến quân lên vây thành Nam-vang. Nặc ông Đài phải bỏ thành chạy vào chết ở trong rừng. Nặc ông Thu 匿 翁 秋 ra hàng. Nặc ông Thu là chính dòng con trưởng cho nên lại lập làm chánh quốc-vương đóng ở Long-úc, để Nặc ông Nộn làm đệ-nhị quốc-vương, đóng ở Sài-gòn, bắt hằng năm phải triều cống.