Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/116

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC HƯƠNG-ĐẢNG
117
 

Dưng lục cúng xong thì cúng cát đoạn, hoặc gọi là cát khiên. Có một sợi dây giăng từ đầu nọ đến đầu kia, treo quần áo giấy và sáu trăm ba chục đồng kẽm. Cúng rồi, thầy phù thủy cầm dao cắt sợi dây ấy cho đứt làm đôi, nghĩa là cắt dây oan-nghiệt để giải cứu cho chúng sinh.

Kế đến cúng cây phướn gọi là cúng tràng phiên. Đầu cây phướn làm hình con quạ, ngậm một tấm lụa đỏ dài chừng bốn, năm mươi thước. Tục truyền xưa có một người bạo nghịch, hay giết người, nhưng thờ mẹ thì rất là hiếu. Một bữa, có mấy người vào quyên giáo, anh ta hồi tâm lương-thiện nhưng ngặt vì nhà không sẵn tiền, anh ta xin đem bộ ruột cúng về nhà chùa. Nói đoạn tức thì moi ruột đưa ra rồi chết. Các người quyên giáo nể tấm lòng thành, đem bộ ruột ấy ra rồi quăng xuống suối. Có con quạ tha bộ ruột ấy bay đến cửa chùa đậu trên ngọn cây mà kêu. Vì thế nhà chùa làm ra cây phướn để tỏ cái lòng tốt của người ấy.

Tục truyền như vậy, nhưng tưởng chỉ là cái cờ hiệu lệnh riêng của nhà Phật, cho nên đàn-trường nào cũng có trồng cây phướn, có ý để trấn tĩnh ma quỷ.

Tối hôm sau lên đàn Mông sơn, tức là đàn thí thực. Đàn Mông sơn bày oản quả hương hoa và có một bát cơm úp, một đôi đũa bông để cúng Phật. Lại có một nhà sư mặc áo cà sa ngồi ghế thay Phật để trấn đàn. Ở dưới bày cơm nắm, cháo bỏng, khoai, kẹo, thanh bông hoa quả để bố thí cho chúng sinh. Bọn đạo trường cúng xong rồi, mặc sức cho người vào cướp, gọi là cướp cháo thí.