Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/117

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
118
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Cúng thí thực rồi thì phóng sinh. Phóng sinh là mua cá, ốc, chim chóc cho nhiều, rồi thả ra cho nó được sống lại, ấy là làm sự phúc đức để cầu lấy việc bình yên vậy.

Hôm sau cúng lễ tạ Trời, Phật, rồi hóa vàng mã. Ở đàn ngoại thì dùng bò xôi, lợn rượu để tiễn Ôn-chúa. Khi tiễn, thầy phù thủy tay cầm nắm hương hoặc bó lửa, thư phù niệm chú, tay cầm ấn quyết triệt-lộ, tiễn ra khỏi đầu làng, đầu chợ, ngã ba, ngã bảy mới đốt, nghĩa là tống đi cho xa, kẻo sợ ôn dịch ở quanh quẩn làng mình.

Ở về vùng Phúc Yên thì mỗi xóm có một tượng thiên-lôi, rồi các thầy phù thủy đánh trống, gõ lão bạt đi từng ngõ mà khử trừ ma quỉ.

Trong mấy ngày cúng cấp, nhiều nơi lại bày ra hát bội, mở trò bách hí để cho vui nữa.

Còn như bất thời có dịch khí lưu hành, dân làng nghe có nhiều người chết, thì mua vàng hương hoa quả thiết đàn giữa sân đình, cúng tiễn ông quan gọi là lễ tiến thảo. Trong làng ai có gạo rượu tiền bạc đem cả ra lễ, rồi của ai người ấy lại đem về. Có khi dịch khí nặng nề thì dân làng lễ tiến thảo hai, ba lần.

*

* *

Xét cái tục lễ Kỳ an này, cũng tức là tục tế na của Tàu, chủ ý chỉ là khử trừ ma quỉ để cho dân xã bình an.