Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/131

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
132
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Bà đồng ở đó thường bày một cái nong ra cạnh đường đi; đốt vài nén hương để quyên giáo, kẻ qua lại ai cũng cúng một vài đồng kẽm. Bà đồng thì ngồi trong am đánh trống kể kệ, hoặc là họp năm ba bà vãi chèo đò.

Nhiều nơi mỗi năm về tháng bảy, hoặc công làng, hoặc riêng một hội thiện, thiết đại tràng tại cửa am để làm chay, cúng hai, ba ngày hoặc năm, bảy ngày.

Làm chay, trước hết có nhà sư cầm gậy tầm xích, các vãi cầm phướn và vài ba người đạo tràng đánh trống khua não bạt đi khắp đám tha ma mộ địa, gọi là đi rước linh. Rước linh về đàn thì cúng. Trong đàn từng trên thiết tượng Phật, từng dưới thiết vị bách linh, ở ngoài cũng có mã mùng.

Cúng Phật thì dùng lễ oản quả, cúng bách linh thì dùng oản quả, hoặc dùng lợn gà tùy ý.

Hôm bắt đầu phát tấu tụng kinh, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu linh tịnh độ, hôm sau dẫn lục cúng, rồi cũng có phóng sinh thí thực như lễ kỳ an. Hôm sau cùng thì chạy đàn phá ngục.

Cách chạy đàn, có mấy người đạo tràng, đóng tuồng Đường Tăng, Đại Thánh, Sa Tăng, Bát Giới chạy xung quanh đàn, và có làm nhà ngục bằng giấy, ông thầy đâm phá các cửa ngục, nghĩa là cứu cho chúng sinh thoát khỏi vòng giam cầm ở dưới âm ty.

Đoạn lễ tạ hóa vàng mã.

Các nơi chiến trận, có nhiều tướng sĩ tử trận chôn một chỗ thì nhà vua lập đàn thờ, gọi là Lệ đàn. Lệ đàn