Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
16
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Anh em chị em là một bát máu xẻ đôi, tình tất thân thiết hơn cả người khác. Trong cách ăn ở, phải yêu mến nhau. Mà muốn cho được hòa mục mãi mãi thì lại cốt lấy chữ nhẫn làm đầu, nghĩa là nhường nhịn nhau, dẫu có kẻ ngang trái, cũng nhịn đi, rồi sẽ lấy lời khôn lẽ phải mà khuyên bảo nhau thì không bao giờ đến nỗi khích bác nhau, mặt lăng mày vực với nhau mà trong nhà vẫn được vui vẻ, cha mẹ cũng được thỏa lòng.

Nhưng cũng chớ nên mong nhờ lẫn nhau, mong nhờ nhau là một thói ỷ-lại, không biết quí sự tự lập, thì là làm cho hư mất nết người. Đã đành anh em nghĩa là nên cứu giúp nhau, nhưng cũng phải nghĩ kế tự lập mới được. Chớ cứ ăn không ngồi rồi, rượu chè cờ bạc để chắc trông cậy về anh em chị em thì là một tính cách rất đê tiện, làm hại lây cho người có chí mà thôi.


III.— THÂN THUỘC

Danh hiệu.— Trên cha mẹ thì có ông bà, gọi là Tổ-Phụ-Mẫu, trên ông bà là Cụ, gọi là Tằng-Tổ Phụ-Mẫu; trên Cụ là Kị, gọi là Cao-Tổ Phụ-Mẫu, còn nữa thì gọi chung là Cao-Cao-Tổ, mãi đến Thủy-Tổ là cùng.

Dưới mình là Con, dưới con là Cháu, dưới cháu là Chắt, gọi là Tằng-Tôn; dưới chắt là Chút, gọi là Huyền-Tôn. Còn ở dưới nữa, tổng chi gọi là Viễn-Tôn. Từ Cao-tổ cho đến Viễn-Tôn, gọi là Cửu-Tộc. Trong Cửu-Tộc chia ra 5 bực để chở, gọi là ngũ-phục. Ngũ-phục là: 1) Chở ba năm, gọi là Đại-tang. 2) chở một năm, gọi là Cơ-niên. 3) chở chín tháng, gọi là Đại-Công. 4) chở năm tháng, gọi là Tiểu-Công. 5) chở ba tháng, gọi là Ti-Ma.