Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/162

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC HƯƠNG-ĐẢNG
163
 
163
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Xã nào có thôn riêng, có lệ đồng cư biệt nạp, thì tính chia lấy một phần đem về đình riêng mà san bổ với nhau.

Kỳ mục chiếu sổ điền thổ của ai có bao nhiêu thì phải đóng chừng ấy, còn đinh thì trừ hết các hạng được miễn trừ, rồi chiếu trong chỉ bài ra, cả thảy các thứ tiền thuế, tiền ngoại phí chia cho nội tịch và ngoại tịch, có làng chia bổ theo như cách thức của nhà nước đã định, có làng theo tục riêng của làng mà bổ, có làng đinh điền thổ hợp cả làm một mà quân san cho cả dân đinh.

Ngoài số tiền thuế của nhà nước, nhiều nơi lại bổ thêm ra một hai chục bạc để chi tiền phí tổn cho lý trưởng và để dự bị đóng đậy cho kẻ nào lỡ ra không đóng được. Bổ xong giao cho một vài người kỳ mục hiệp trợ với lý trưởng mà thu. Lý trưởng kỳ mục lại chia giao cho mỗi họ một người đốc thu. Nếu ai thiếu thì người đốc thu phải chịu trách nhiệm.

Dân làng dầu ai nghèo kiết thế nào mặc lòng, đến tiền thuế là phải lo đóng tươm tất. Nếu ai thiếu từ vài ba hào trở lên thì họ bắt đem ra điếm, cùm trói khổ sở, cho tuần đinh vào nhà bắt đến cả đồ thờ, hoặc bắt đến giường đến ghế, làm cho phải đủ tiền mới nghe.

Chánh phó tổng thường thường cũng phải đi xem xét và đốc thúc các lý dịch trong hàng tổng. Làng nào khó khăn thì có khi quan phủ huyện sở tại phải phái người về làng ấy hiệp với lý dịch mà thu. Đến gần hạn đổ thuế thì lý dịch phải đem số bạc thu trình với quan trước rồi mới đem nộp tại tỉnh đường hoặc tại kho bạc.