Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/176

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC HƯƠNG-ĐẢNG
177
 

đánh nhau vỡ đầu, hoặc ai ăn trộm tự con gà cái măng trở lên, hoặc nhà nào có con gái chửa hoang, hoặc người nào làm sự gì không phải, đến nỗi quan phải đòi đến dân làng, làm cho dân làng tốn kém thì phải phạt. Tùy cái lỗi nặng nhẹ, hoặc phạt hai ba quan tiền kẽm, hoặc ngả vạ, bắt gà, bắt lợn, uống rượu, hoặc tước ngôi thứ không cho dự chiếu hương ẩm, người nào có chân chức dịch mà phạm lỗi nặng thì truất bỏ cả chân chức dịch ấy đi, không cho hưởng quyền của hàng viên chức nữa.

3.— Chu tuất: Khi có cướp đến phá làng ăn cướp, tuần phu và dân làng ra tiếp cứu, ai bất hạnh bị thương thì dân làng đem về điều trị thuốc men cho, nếu bất hạnh bị chết thì dân làng làm ma, đồng dân đưa đón trọng vọng và cấp dưỡng cho vợ con mỗi tháng dăm ba đồng bạc hoặc thưởng cho con một tên nhiêu nam.

4.— Tinh biểu: Trong làng ai có ân nghĩa với dân, hoặc xuất của giúp cho làng được việc gì có ích, hoặc xuất lực lo cho làng được việc gì có lợi, thì làng nhớ ân nghĩa, khi sống kính trọng, nhường ngồi chiếu trên, khi mất làng khắc bia đá kể công trạng của người ấy dựng tại đình cho đời đời ai cũng nhớ.

5.— Cấm lịnh: Nhà nào chứa khách lạ thì phải trình với lý dịch, nếu không trình thì nhà chức trách phải phạt. Nhà nào hội tụ với nhau đánh bạc, hoặc phạm vào phép luật gì của nhà nước đã cấm, hoặc tụ tập những kẻ hung đồ, việc nhỏ thì lý dịch bắt ra điếm, việc lớn thì bắt đem nộp quan. Trai gái thông gian bắt được phải vạ.

Khoán ước định vong, dân làng ký kết, có nơi đem