Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/185

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
186
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

nhất định, dân làng tang sự xong rồi, hoặc chiết-can mươi mười lăm đồng, hoặc một vài chục để dành làm tiền công nho, còn lệ ăn uống thì bỏ hết, trừ ra nhà chủ muốn làm dăm ba mâm khoản đãi kẻ giúp đám trong nhà mặc lòng. Trong lệ tang sự cũng nên đặt ra hai, ba hạng, hạng nhất dùng cách tang sự rất trọng thể, lấy tiền chiết can độ bốn, năm chục bạc, hạng nhì dùng cách trung bình, lấy độ hai, ba chục, còn hạng ba thì chước hết, để ai có của, muốn làm vẻ vang hơn người khác cũng được mà chẳng có thì dân làng cũng xử tử tế mà cất. Như vậy thì vừa tiện cho hiếu chủ, lại vừa ích cho dân, có tiền mà chi nhu mọi việc.


XXV.— VIỆC HỈ

Việc hỉ như các việc đăng khoa, bổ quan, người lên lão hạ thọ, người ra làm chánh phó tổng, lý dịch, người cưới vợ, người làm nhà cửa. Các việc ấy đều có mở tiệc mừng, mời dân làng đến nhà uống rượu.

Trong các tiệc ăn mừng ấy, tiệc nào cũng có sửa lễ lễ thánh, đã nói trong khoản khao vọng trên này, duy có việc cưới xin và việc làm nhà thì ăn mừng riêng ở nhà và tùy ý chủ nhà, có thì làm chẳng có thì thôi cũng được.

Lệ cưới xin phải nộp tiền lan-nhai cho làng, tục gọi là nộp cheo. Người trong làng lấy nhau thì nộp độ một vài đồng bạc, gọi là cheo nội, người ngoài lấy gái làng thì bao giờ cũng phải nộp nặng hơn, hoặc dăm sáu đồng hoặc mươi đồng hoặc một vài chục, tùy tục riêng từng làng, gọi là cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền, bắt nộp