Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/224

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC XÃ-HỘI
225
 

Quan nào có lòng thương dân, nhiều điều nhân đức dân được nhờ, thì khi phải đổi hoặc khi thăng chức khác, dân tại địa phương ấy thường có đơn ái mộ kêu với quan trên để xin lưu lại cai trị hạt mình.

Quan nào có công đức to với dân thì sau khi mất, dân có khi lập bia kỷ niệm nữa.

*

* *

Cũng vì cách chuyên chế mà quan với dân xa cách nhau một vực một trời. Quan thì coi dân như cỏ như rác, dân thì coi quan như cọp như beo. Dân vào đến cửa quan nhiều kẻ xo vai rụt cổ, run lập cập nói chẳng ra hơi, mà quan động đi đến đâu, thì ầm ầm như sấm như sét làm thực rõ ra mặt hách dịch. Thậm chí có người thuở nhỏ vẫn chơi với nhau, hoặc cùng làm việc với nhau, đến lúc một người làm quan một người làm dân, vào đến cửa đã nhất tự cách trùng ngay rồi. Có người chịu mình là phận dưới mà phải lạy người cố tri, mà người cố tri cũng nghiễm nhiên coi mình là bậc quan trưởng, mà nhận cái lạy của người bạn cũ lạy mình. Ấy đều bởi cái cách phân biệt một trọng một khinh, đã in sâu vào óc người nước ta, cho nên đôi bên cùng không cho là lạ.

Tuy vậy, dân càng sợ quan bao nhiêu, thì cái tình thân ái lại càng xa cách ra bấy nhiêu. Sợ là sợ phép nước, sợ bề ngoài, chứ trong bụng thì chắc nhiều người oán ghét. Vì thế dân không mấy khi mà đem tình thực nói với quan, mà quan cũng không tài nào mà soi cho thấu cái thói gian của dân được, ấy cũng là một điều tệ ngăn trở cho chính công bình.