Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/270

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC XÃ-HỘI
271
 

đối nhau ngay cũng được. Kế đến 2 câu độ bảy, tám chữ mà tiếp vần với câu trên rồi đưa hai câu thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn, một vài câu đi lưu thủy, hoặc hai chữ, hoặc bốn chữ, rồi lại tiếp hai câu bảy, tám chữ, cuối cùng thả một câu độ năm, sáu chữ lửng lơ.

Điệu này không cứ gì dài vắn, tùy ý mình muốn đặt thế nào cũng được, quí hồ giọng lên giọng xuống, điệu trắc, điệu bằng cho hợp cách thì thôi. Còn như các điệu tứ đại cảnh, nam-ai, hành-vân, lưu thủy, v.v... thì thường mỗi chữ mỗi câu đều phải hợp vào giọng hò, lừu, xế, xang, cống, sự, phàn, v.v... nghĩa là phải hợp với bài đàn mới được.

Mỗi điệu có một thể cách riêng, phải xem các bài hát mới biết được hết các lối. Song cứ lấy nghĩa mấy chữ tên khúc điệu mà suy ra thì lưu thủy chắc là giọng văn lưu loát như dòng nước chảy, hành vân chắc là giọng văn man mác như đám mây bay, nam ai là những giọng sầu thảm bi thương, nam bình là những giọng khoan thai hòa nhã, vọng phu là giọng người đàn bà ai oán mong chồng, giao duyên là giọng trai gái tự tình ước hẹn, v.v... Ngoài các điệu ca khúc trên, lại còn những điệu hát xẩm, hát ru, hát trống quân, hát quan bộ, hát đò đưa, nhưng chẳng qua cũng theo điệu lục bát gia giảm một đôi chút mà thôi. Mà trong điệu ca trù có những điệu thuyết nhạc, gởi thơ, thiên thai, xích bích, v.v... thì là theo bài Tàu mà đọc riêng một giọng, chớ không phải có lối nào khác nữa.

6.— Văn xuôi tức là lối nghị luận hoặc là lối ký