Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/292

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC XÃ-HỘI
293
 

Nghề nuôi tằm và nghề làm ruộng đều là nghề nghiệp căn bản rất hệ trọng cho việc sinh nhai và lại rất khó nhọc hơn cả mọi nghề, nước nào thì cũng phải trọng hai nghề ấy làm cốt. Nước Tàu và nước ta, nhà vua cũng phải có ruộng tịch điền, có nhà tàm thất, vua thì phải thân canh, bà hoàng hậu thì phải chăn tằm để làm gương cho thiên hạ, cũng là ý trọng nghề căn bản đấy thôi.

Tiếc cho nước ta, nghề nào cũng cứ theo một lối cổ, không ai nghĩ được cách biến hóa nào cho mỗi ngày một tấn tới thịnh vượng. Cho nên đồ hàng tấm của ta, tuy cũng dệt được các thứ tơ lụa mà không bao giờ tốt đẹp bằng hàng vóc hàng nhiễu của các nước.

Ít nay nhờ có hội canh nông, xem xét hết các cách ích lợi trong việc canh tang thì cũng đã nhiều khi dạy cho ta lấy phép tiện diệu hơn trước. Các nhà canh nông ta, tưởng nên lưu ý mà học lấy cách khôn ngoan hơn ấy, thì mới có thể thịnh vượng được. Còn như cách dệt hàng, cũng nên bỏ lối cũ của ta mà học theo lối mới hoặc là nhân lối cũ mà cải lương cho thêm tốt đẹp, thì mới có thể đem ra ngoại quốc mà tranh lấy mối lợi với hoàn-cầu.


XVIII.— NGHỀ BÁCH CÔNG

Đường công nghệ của ta thì kém lắm. Duy có mấy nghề mới độ vài chục năm nay người nước ta đã chịu khó dùng công làm kỹ càng, và kiểu cách mới, như nghề khảm xà cừ, nghề thêu, nghề trổ chạm gỗ gụ, nghề đúc đồ đồng, v.v... các nghề ấy cũng đã tấn tới, có thể cho vào bực xảo kỹ, và có thể bán ra ngoại quốc, tranh được ít nhiều mối lợi với hoàn cầu.