dịch. Các nhà thi thư nước ta tin mến đạo dịch, cũng nhiều nhà chứa sẵn một bộ cỏ thi, để vào túi gấm rất cẩn thận và hương hoa thờ phụng quanh năm. Khi có việc quan trọng đem ra bói, cũng nhiều khi có điều linh nghiệm, nhưng có cao đoán mới hay.
2.— Mai-hoa bốc là phép bói chiết tự. Phép này của ông Thiệu-Khang-Tiết đời nhà Tống đặt ra, đã đặt sẵn từng quẻ và có sẵn những lời giải đoán. Ai có việc gì muốn bói thì tùy ý mình, muốn viết chữ gì thì viết, phải viết ra một chữ, rồi mới trông hình trạng chữ hoặc đếm nét chữ mà khép vào quẻ, xem lời quẻ thế nào mới đoán được. Hoặc lấy ý nghĩa trong chữ mà đoán.
Ví dụ một người bói việc cầu hôn có thành không, viết ra một chữ tử. Người đoán: chữ tử trên chữ nhất dưới chữ uyên. Thế là nhất sàng cẩm bị túc uyên-ương (một giường chăn gấm chim uyên-ương ngủ), tất là việc cầu hôn thành. Lại một người xem vợ đi xa đã đến chưa, viết ra một chữ dạng. Người đoán: chữ dạng tựa như chữ ân, mà trên không có đầu; lại giống chữ nghĩa, mà dưới không có chân. Thế là đoạn ân tuyệt nghĩa, tất là không được gặp nhau, v.v... Phép này cách đoán cũng mông mênh lắm, ta đôi khi mới có người xem chơi mà thôi.
3.— Kim-tiền bốc là phép bói gieo tiền đồng. Phép này thì từ Kính-Phòng đời nhà Hán đặt ra. Về sau ông Giã-Hạc lại lập sẵn các quẻ, và nghị luận thêm tinh tường, cho nên lại gọi là phép bói Giã-Hạc. Phép này giản tiện hơn cả các cách khác cho nên ta theo dùng nhiều, mà nhất là các thầy bói lại chỉ chuyên về phép ấy.