Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/318

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC XÃ-HỘI
319
 

Số Hà-lạc dùng bát tự, năm, tháng, ngày giờ thuộc về can chi gì, rồi tính theo số mục mà ghép vào quái hào trong dịch mà đoán. Phép này các nhà nho dùng nhiều.

Số Tiền định thì tục truyền của Quỉ-cốc tiên-sinh soạn ra, có lập cục sẵn các ngày sinh tháng đẻ, mỗi cục có mấy câu thơ thất ngôn và có mấy câu định cách để đoán việc hay dở của người ta, tục cho là linh nghiệm. Song lời lẽ thiển cận. Minh-nho cho là bọn thầy bói tầm thường đặt ra cho nên các người có học thức không mấy người tin.

Số Tử-vi thì tinh tường hơn các phép khác. Tục truyền là của ông Trần Đoàn nhà Tống soạn ra. Nhưng La-Luân thì nói thầy chùa núi Họa-Sơn tên là Vạn mới soạn ra sách ấy. Sách Vân-đài loại ngữ của ông Lê-Quí-Đôn thì cho là hậu nho đặt ra mà thác danh là ông Trần Đoàn.

Phép này trước hết phải chia âm dương can chi. Ví dụ: giáp, bính, mậu, canh, nhâm là dương can; tí, dần, thìn, ngọ, thân, tuất là dương chi. Người ta sinh về các năm ấy gọi là dương nam, dương nữ. Ất, đinh, kỷ, tân, quí là âm-can; sửu, mão, tị, mùi, dậu, hợi là âm-chi. Người ta sinh về các năm ấy gọi là âm nam, âm nữ.

Phân âm dương rồi phải dùng phép lục giáp nạp âm mà lập cục, để xem người sinh thuộc về cục gì trong ngũ hành, hoặc hỏa lục cục, hoặc mộc tam cục, v.v...

Kế phải an thân, mệnh. Phép này tính đốt bàn tay trái, trước hết khởi từ cung dần, tính xuôi từ tháng giêng đến tháng sinh; lại ở ngay đốt ấy khởi giờ tý, tính ngược cho đến giờ sinh thì an « mệnh », tính xuôi cho đến giờ sinh thì an « thân ».