Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/321

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
322
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

bằng cứ cho tin được. Vậy sao từ xưa các bậc thông minh cũng có người tin và cũng nhiều người cho là linh nghiệm, có lẽ sai lầm cả sao?

Thiết tưởng các nhà âm dương bày đặt ra số mệnh, cũng có một kiến thức riêng. Song một câu thực thì một trăm câu hư, một người nghiệm thì một ngàn người không nghiệm. Người xem số thấy nghiệm được một đôi điều, cho ngay là thần thánh; mà những điều không nghiệm thì có ai hỏi đến đâu. Cái nghiệm đó chẳng qua cũng như một trăm bó đuốc phải bắt được con ếch mà thôi.

Ông Đào-Tiềm là bậc hiền sĩ nhà Tấn có nói rằng: « Đạt nhân tiền bất khả ngôn mệnh », nghĩa là trước mặt người đạt lẽ không nên nói chuyện số mệnh, ấy là lời nói rất phải.

Ông Lã-Tài người nhà Đường cũng bác rằng: « Người phú quí ở đất Nam-dương (hai mươi tám tướng) không lẽ người nào cũng được cung lục hợp; quân bị chôn ở đất Tràng-bình (bốn chục vạn người) không lẽ người nào cũng phạm phải hạn tam hình ». Hai lời ấy đều là của nhà âm dương tinh học nói ra, đó là một cái bằng cớ không số mệnh nào. Ta nên phải biết trọng ở sức người, dù giàu, dù nghèo, dù sang, dù hèn, dù sống lâu, dù chết non, việc gì cũng bởi tự người làm ra cả. Nếu cho là đã có số nhất định của trời, thì thử khoanh tay ngồi một xó, không chịu làm ăn gì, xem có giàu được không? Thử không học hành gì, cứ việc ăn chơi cho thỏa xem có lập nên công nghiệp gì không?

Hẳn là không! Vậy sao không chịu là tại mình mà còn đổ cho tại số?