Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/326

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC XÃ-HỘI
327
 

C.— Xem ngón tay. Tay có năm ngón, mỗi ngón có một tướng riêng.

1) Ngón tay cái gọi là đại-chỉ. Hễ đốt ngót tay này có nhiều văn xoáy tròn phân minh thì chắc là văn học giỏi.

2) Ngón thứ hai gọi là thực chỉ. Đốt ngón tay này nên ngay ngắn tròn trặn. Nếu vênh ra ngoài mà lìa ngón giữa, tất phải nghèo khổ; ngắn, tổn vợ, sợ vợ; cong, lao lực giang hồ, ngắn quá cô độc.

3) Ngón tay giữa gọi là trung chỉ. Xem tướng cốt ở ngón này, nên quang nhuận; văn ngón ấy nếu lệch lẹo, công danh trắc trở; văn phản lại, nghèo hèn.

4) Ngón thứ tư gọi là ngón vô danh. Ngón này ứng về anh em vợ con. Nếu quang nhuận, không có văn tréo nhau là tốt; lệch lẹo, tất anh em cách biệt và thương tổn thê thiếp. Ở khe dưới kín đáo, hậu vận hưởng tài lộc sung sướng.

5) Ngón út gọi là tiểu chỉ. Nếu thanh tú, có văn tréo nhau chắc sống lâu. Đầu ngón tay dài quá ngấn trên ngón vô danh, chắc là người khéo, lắm nghề tài.

D.— Các cách. Trong tướng pháp lại có mấy cách tương hợp như sau này:

1) Tướng ngũ-tràng. Ngũ tràng là đầu dài, mặt dài, thân dài, tay dài, chân dài. Ngũ tràng mà mặt mũi cốt tướng vạm vỡ thanh tú, thì mới hay; nếu xương khô gân lộ thì dẫu ngũ-tràng cũng là tướng bần tiện. Trong tướng ấy nếu chân dài tay vắn cũng là tướng bần tiện, nếu chân vắn tay dài thì chắc là tướng phú quí.