Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/351

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
352
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

khi giải một khác. Song mộng chẳng qua là lòng tư tưởng kết lại vị tất đã có ứng nghiệm gì.

6.— Nghiệm lời đồng dao: Đồng dao là các câu ví von, trẻ con thường hát chơi, mà không rõ bởi đâu đặt ra. Sách Tàu nói rằng: lời đồng dao là bởi sao Huỳnh hoặc hiện xuống dạy trẻ hát, rồi trẻ quen mồm mà hát, cho nên nhiều câu kỳ thủy không có nghĩa lý gì mà về sau trúng vào thời sự. Ví như câu « Chu chi trành trành, cái đanh nảy lửa », tục cho nghiệm vào đèn điện, câu « Tam khoanh tứ đốm » tục cho nghiệm vào ông quan ba vạch; câu « Chỉ đâu mà buộc ngang trời, thuốc đâu mà chữa cho người lẳng lơ » tục cho nghiệm vào dây thép và nhà lục-xì; câu « Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang » tục cho nghiệm vào cầu sông Nhị-Hà, v.v...

Vì có những câu ấy, tục cho là lời tiên tri, cho nên lại nhân đó mà tìm những câu chưa nghiệm. Như lời « hoa viên gỗ » lời « con ngựa chết chương ba vương thượng đế », v.v...

Người đoán nghĩa thế này, người cho nghĩa thế nọ, tổng chi là nghĩa hồ đồ mà thôi.

7.— Nghiệm lời sấm ký: Lời sấm ký là các câu ẩn ngữ của nhà thuật số tính số thái ất mà đặt ra. Tục cho phép ấy tính được việc 500 năm về trước và 500 năm về sau. Nước ta thủa xưa có câu sấm « Hòa đao mộc lạc, thập bát tử thành, đông a xuất nhật, đoái cung ẩn tình », v.v... đã nghiệm vào việc các đời Lê, Lý, Trần, Trịnh. Đời nhà Mạc có ông Nguyễn-bỉnh-Khiêm (cụ Trạng Trình) tinh về lối học lý số, có đặt ra nhiều sấm ký nói về thời sự, toàn là những lời hiểm hóc, không ai hiểu là nghĩa lý gì mà tục thường cho linh nghiệm.