Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/401

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
402
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

XLIII.— HÁT XẨM

Những người đui mù lòa mắt học nghề đàn hát, rồi rủ nhau một tụi độ năm, sáu người, vừa đàn ông vừa đàn bà, dắt nhau đến các nơi thành thị, kiếm chỗ đông người, trải chiếu ngay các nơi vệ đường mà hát.

Bọn xẩm, kẻ thì đánh trống gõ phách, kẻ thì kéo nhị, kẻ thì gảy đàn bầu, rồi đồng thanh mà hát, hoặc đi giọng nam, hoặc đi giọng bắc, ăn theo tiếng nhị tiếng đàn, nghe cũng vui tai.

Đàn bà trẻ con người lớn xúm xít vào xem, kẻ thưởng dăm ba đồng kẽm, người cho một vài xu. Hễ người xem vãn rồi thì lại dắt nhau đi chỗ khác.

*

* *

Hát xẩm cũng là một nghề sinh nhai của bọn mù lòa, nghề ấy chính là một kế cứu kẻ tàn tật.


XLIV.— HÁT Ả ĐÀO

Ả đào tức là bọn ca nhi vũ nữ, tập nghề ca vũ từ thuở nhỏ, chừng mười bảy mười tám tuổi đã đi hát được.

Bọn ả đào nhà quê thường đi hát về các nơi đình đám. Bọn ấy có lệ giữ cửa đình, hễ đến mùa các nơi dân xã hội hè, thì bọn nào hát cửa đình bọn ấy. Mỗi khi đi hát, kéo nhau từng bọn từ già chí trẻ, cả đào lẫn kép, đến hàng hai mươi, ba mươi người.

Hết vụ hát thì lại về nhà quê cày bừa làm ăn. Còn ả nào có nhan sắc hoặc hát giỏi thì ra các phố xá mở nhà hát chiêu khách.