Bước tới nội dung

Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/42

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
NÓI VỀ PHONG-TỤC TRONG GIA-TỘC
43
 

Trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà ấy đã rộn rịp sắm Tết, nào người mua tranh mua pháo, nào người mua vàng hương mã mùng, đường mứt, bánh trái, v.v...

Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Các người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa xôi, đâu đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn Tết.

Cách Tết một vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ đồ phượng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh treo liễn trang hoàng lịch sự.

Nhiều nhà trước cửa có dán tranh Quan tướng, hoặc dán bốn chữ « Thần trà Uất lũy ». Điển này do ở trong phong tục thông có nói rằng: ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc, có hai ông thần gọi là Thần trà Uất lũy, cai quản đàn quỉ. Hễ quỉ nào làm hại nhân gian thì hai thần ấy giết mà ăn thịt. Ta dùng bốn chữ ấy, có ý để cho quỉ sợ mà không dám vào cửa.

Lại có nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt rạ, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dứa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ, cái cung, cái nỏ, v.v... cũng là có ý trừ quỉ, kẻo sợ năm mới quỉ vào quấy nhà mình.

Nửa đêm hôm ba mươi rạng ngày mồng một, ở thành phố nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa. Ở thôn quê thì các xóm tế giao thừa tại nơi điếm sở, trống đánh, pháo đốt ầm ầm. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành-khiển, coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ mà đón ông mới.