Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/61

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
62
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

thân, vậy mà đã vướng víu về đường vợ con, thì còn làm gì được nữa, thành ra lại làm cho hư cả người.

Hai là trai gái không được tự do hôn phối. Tục Âu-Châu trai gái phải biết nhau trước, cha mẹ cho tự ý kén chọn, có thuận tình thì cha mẹ mới gả. Ở ta chỉ cứ tùy ý cha mẹ, tìm nơi xứng đáng thì gả, dẫu con không bằng lòng cũng nài ép cho phải lấy, mà thường nhiều khi cha mẹ gả bán lẫn cho nhau cũng nên. Vì vậy lắm khi vợ chồng lấy nhau rồi, sinh ra chê bai nhau, oán ghét nhau, không được hòa thuận, đến nỗi lìa nhau, mà dẫu có e sợ danh tiếng, gượng ở với nhau, thì cũng sầu não trong lòng, chẳng những là công việc trong nhà lủng củng chẳng ra gì, mà đường sinh dục cũng không được tốt.

Ba là tục thách cưới. Vợ chồng lấy nhau là một nghĩa vụ, trai phải có vợ, gái phải có chồng, đôi bên đều có tư ích lẫn cho nhau, chớ không phải lợi riêng cho bên nào cả. Vậy mà ta lắm người coi sự gả chồng cho con như là bán con, trừ ra sự may mặc sắm sửa đã bắt nhà trai phải lo, lại thách đến tiền đến bạc. Lắm người nghiệt quá, không đem đủ tiền không nghe, làm cho sui gia sinh oán ghét nhau cũng vì đó. Vả lại chẹt người ta quá, người ta cũng phải miễn cưỡng đi vay mượn mà lo cho xong việc, rồi thì cái nợ ấy, có khi con mình về nhà chồng, lại phải nai lưng cố sức ra làm ăn để trả, thế có phải là mình vụ hư danh, hoa hòe một lúc, mà để khổ cho con không?

Cứ như phép Châu-Lễ: « Phàm lấy vợ, dẫn lễ cưới, lụa tốt không được quá năm lượng ». Năm lượng nghĩa là