Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/67

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
68
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Nhưng tục ta trọng Nam khinh Nữ thì là một tục trái hẳn với cách văn minh.

Sao vậy? Tạo hóa sinh ra có trai thì phải có gái, có người coi việc ngoài thì phải có người coi việc trong, người cứng gân khỏe thịt thì phải làm việc nặng nề, người yếu chân mềm tay thì đã có việc nhẹ nhàng, chẳng qua cũng là giúp lẫn nhau thì mới nên được công này việc nọ, chớ thiếu một bề nào cũng không được, vậy thì công việc của đàn bà có kém gì công việc của đàn ông đâu? Vả lại trời sinh ra người đàn bà, cái màu hoa bóng bẩy kia, có thể vui vẻ cho ta những khi bực dọc; cái giọng oanh thỏ thẻ kia, có thể khuây giải cho ta những lúc buồn rầu. Lúc ruột gan ta nóng nẩy bồn chồn, nhờ có đôi mắt thu ba làm cho ta được dịu êm mát mẻ, khi tinh thần ta lo nghĩ mỏi mệt, nhờ có hai vừng đào kiểm làm cho ta được khoan khoái thư nhàn. Vậy thì chẳng những là nên thương cái phận người yếu đuối, mà lại nên kính nên trọng nữa.

Cho nên cứ lấy đạo công bình mà nói thì đáng lẽ quí đàn bà hơn đàn ông mới phải, chớ nên cậy mình khỏe mạnh mà khinh bỉ đàn bà, mà ức chế đàn bà. Tục ngữ Âu-Châu có câu rằng: « On ne doit pas battre les femmes même avec des fleurs » nghĩa là dẫu cái hoa cũng không nên dùng mà đánh đàn bà. Câu ấy gẫm ra có lý thú lắm.

Tục ta thì phần nhiều áp chế đàn bà quá. Có người coi vợ như kẻ ăn người ở, nào là bắt sửa túi nâng khăn, nào là bắt cơm dâng nước tiến, nào là bẻ hành bẻ tỏi, nào là bắt nhặt bắt khoan. Chồng ăn chơi như phá