Trang:Viet Nam phong tuc.pdf/93

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
94
VIỆT-NAM PHONG-TỤC
 

Có làng dùng cách giản dị, từ hôm nhập tịch trở đi, mỗi tối chỉ dùng trầu rượu làm lễ túc chực, mấy người bô lão ra lễ, ngủ tại đình để chầu chực nhà Thánh. Đến hôm xuất tịch, mới dùng cỗ bàn tế một tuần, xướng ca một đêm gọi là chiếu lệ mà thôi.

Giao hiếu.— Trong mấy hôm nhập tịch, các thôn xã gần nhau, hoặc 2, 3 xã, hoặc 5, 7 xã cùng thờ một vị, thì rước lẫn sang nhau, gọi là rước đánh giải, trước là lễ thần, sau là giải tọa uống rượu nghe hát, để tỏ tình hiếu với nhau. Cũng có nơi mỗi xã làm chủ một năm, các xã lân cận rước lại cả xã ấy mà hội tế. Cũng có nơi cách xa, tổng khác huyện khác, mà cũng thờ một vị thì cũng rước giao hiếu với nhau.

Cơm quả, cơm quan-viên.— Khi xã này rước sang xã khác, các người đi rước thường làm sẵn một mâm cơm lịch sự, đựng vào cái quả đỏ, cho người đem sang đám rước, gọi là Cơm quả. Những viên chức thì đã có đương cai sửa năm ba mâm, nấu đồ ngũ trân bát vị, đủ các thứ bánh đường bánh ngọt, gọi là Cơm quan viên. Khi rước sang đến xã khác rồi, lễ thánh đâu đấy thì nghỉ ngơi ra ăn uống. Thường dân trải chiếu cạp đỏ ra bờ đê bờ ruộng hoặc chỗ dưới gốc cây bóng mát mà ngồi, viên chức thì tìm kiếm chỗ sạch sẽ lịch sự, hoặc trong nhà tả mạc, trải chiếu ngồi ăn tiệc với nhau. Ăn uống đâu đấy, mới vào đình giải tọa nghe hát.

Khoản đãi.— Cỗ bàn khoản đãi làng giao hiếu, hoặc dùng cỗ mặn (cỗ thịt trâu thịt bò) hoặc dùng cỗ chay. Nhưng thường dùng cỗ chay nhiều hơn. Mỗi cỗ có một