CHƯƠNG THỨ TƯ
Học chính ngày càng mở rộng
Người An-nam vốn trọng học-vấn. Xưa kia, các bậc sĩ-tử nước nhà theo đòi hán-học, lấy kinh truyện làm gốc của nho-học. Tứ thư ngũ-kinh dậy về luân-lý, là một môn học rất bổ ích cho người ta; thế nhưng toàn là những sách không bàn đến khoa-học tối-tân. Các bậc nho-sĩ ta ngày xưa chỉ am-hiểu về đạo làm người. Thực là một sự hay lắm, nhưng ngoài cái đạo làm người thì không biết chi chi cả. Nhà nho ta thuộc lầu kinh truyện, nhưng không biết đến những tư-tưởng cao-thâm của các bậc hiền-triết các nước khác, là những bậc hiền-triết xuất-hiện trong thế-giới, sau đức Khổng-tử; các bậc hiền-triết này thì đã phát-minh ra các môn học về những sự bí-mật của tạo-hóa, khiến cho cái thế-lực của nhân-loại ngày thêm mãnh-liệt. Vả khi xưa, người ta theo đòi hán-học thì mất nhiều thì giờ, hao tổn mất lắm công-phu.
Vì thế các nhà mục-sư Âu-châu khi sang tới bản-xứ thì nghĩ ra được cách viết tiếng ta theo như tiếng nói, cách viết rất dễ dàng: tức là chữ quốc-ngữ. Nhờ về chữ quốc-ngữ, mà đứa trẻ có khiếu thông-minh, chỉ học trong vài ba tháng là có thể nghe thấy nói gì cũng viết ngay ra giấy được. Như vậy thì sự học không như trước nữa, chỉ do ký-ức mà thôi, đứa trẻ con học gì thì tự hiểu ngay được.
Đã mươi năm nay, các làng nhà quê, phần nhiều có tràng học để dạy trẻ con viết và đọc quốc-ngữ. Ngày nay, ở bản-xứ lại có xuất-bản rất nhiều sách và các thứ báo bằng quốc-ngữ nữa.
Các làng đều theo kỳ-hạn mà nhận được: nào là những tập công-văn, những bản lệ-luật, những tờ sức của nhà-nước, toàn bằng quốc-ngữ. Trong làng thì người nào cũng có thể tới nhà công-quán mà xem xét những tập công-văn, lệ-luật và các đạo trát-sức của quan trên.
Tiếng An-nam vốn là một thứ tiếng nghèo, không đủ tiếng để dùng về những sự mới. Các sách cách-trí đều bằng pháp-văn thì khó lòng mà dịch ra quốc-ngữ cho sát nghĩa được. Vì thế mỗi năm, chỉ xuất-bản có vài ba cuốn sách bằng quốc-văn