CHƯƠNG THỨ BẢY
Nói về những hải-cảng
Hải-cảng tức là cái cửa để ra vào của một nước. Tiếng tây gọi là « Port », nghĩa là cái cửa vậy. Một nước giao thông với ngoại-quốc là do những hải-cảng. Trong thế-giới thì gần khắp các nước đều có cảng thông ra bể.
Hải-phòng là hải-cảng của xứ Bắc-kỳ.
Hải-phòng ở ngay cửa sông Thái-bình, tức là Cửa-cấm. Hải-phòng nhờ có các đường sông mà thông với khắp các hạt ở trong nước. Lại là đầu đường xe-lửa Vân-nam. Con đường xe-lửa này thì kế-tiếp với các đường xe-lửa khác. Vì thế các thứ hàng-hóa trong nước đều tiện đường vận-tải tới Hải-phòng. Các hàng hóa ngoại-quốc thì cũng có những tàu lớn tải đến Hải-phòng rồi trở đi khắp các hạt trong xứ Bắc-kỳ.
Ở Hải-phòng, lòng sông sâu lắm, gặp nước thủy-triều thì những tàu rất lớn cũng vào trong sông được. Có những tàu trở tới một vạn tấn hàng hóa. Ta thử tính xem bấy nhiêu hàng hóa thì nhiều là dường bao. Một vạn tấn hàng hóa thì phải bốn mươi chuyến xe-lửa mới vận-tải hết; trở bằng những tàu chạy các đường sông thì phải một trăm cái tàu nhớn nhất mà ta thường trông thấy ở Hanoi, Nam-định, Đáp-cầu hay là ở Sơn-tây. Trở bằng thuyền thì phải hai trăm chiếc thuyền lớn.
Ở Hải-phòng thường có những tàu ở Đại-pháp và các nước ở Âu-châu đến; lại có những hạng tàu nhỏ hơn, tuần lễ nào cũng chạy đường Quảng-đông, Hương-cảng, Packhoi và các hải-cảng ở miền nam Trung-hoa. Một công-ty hằng-hải Nhật-bản thì có tàu chạy phiên về đường Hảiphòng, Đài-loan. Lại có những tàu của các nước khác, tùy theo cuộc vận-tải hàng-hóa, thường đi lại Hảiphòng, như là những tàu Hà-lan ở Trà-và đến cùng là những tàu Hoa-kỳ, Anh-cát-lợi, Úc-tỷ-lợi-á. Những tàu này thì trở dầu hỏa, những bao gai, các thứ vải, ô-tô cùng là các thứ chế hóa-hạng đến, rồi lại tải gạo ở bản-xứ đi. Thường lại có những nhà đại-thương nước Pháp và Trung-hoa trở nhiều gạo ra ngoài cõi thì thuê riêng những chiếc tàu ở ngoài đến mà trở thóc gạo đi.