Bước tới nội dung

Trang:Xu Bac ky ngay nay.pdf/57

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.


CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI


Rừng là quan trọng thế nào


Rừng là bạn rất thân của người ta, thế nhưng người ta thường không lấy tình bằng-hữu mà đối với rừng. Người bản-xứ ở miền đồng bằng, nghe nói đến rừng rú là kinh sợ, vì là nơi độc nước. Ta thường nói: những miền rừng là lam-chướng, hay sinh ra bệnh ngã-nước, vả nào cọp, nào báo, nào rắn độc chỉ làm hại người ta mà thôi. Ở lắm miền rừng, dân Mường và dân Thái đẵn gỗ chặt cây, vì lợi to mà phá hoại lâm-sản, chỉ cốt đem bán lấy tiền, chớ hề nghĩ đến cuộc bảo-thủ mà cấy lại rừng. Ở miền núi, dân Mán thiêu-hủy rất tàn-hại, đốt cháy những quãng rừng mênh-mông, rút cục họ cấy lúa cũng chẳng được là bao.

Sau khi miền rừng bị phá hoại rồi thì người ta mới tỉnh-ngộ là khờ dại.

Rừng đã trơ trụi rồi thì không còn gì để ngăn cản cái thế-lực của nước mưa, mà gây nên những nạn hồng-thủy rất dữ dội ở trong nước. Mặt đất không có cây cối thì vỡ lở, đất phù-xa cùng là cát chảy theo dòng nước, làm lấp các lòng sông, khiến cho cuộc vận-tải thường bị ngăn trở. Gió bể thì đưa cát lên trên bờ, làm cho đồng bằng đầy cát, thành ra không cấy cầy gì được nữa. Các thứ gỗ quí, các thứ lâm-sản cũng dần dần hiếm hoi mãi đi.

Nước nào biết tu-bổ các miền rừng thì rừng là một cái kho tài-sản rất là quí báu.

Chỉ có những rừng chưa khai-phá mở mang thì mới là nơi chướng khí mà thôi. Rừng xanh núi đỏ, sở dĩ lam-chướng là vì cành cây lá cây, cùng là biết bao nhiêu những cây chết phủ kín mặt đất; biết bao nhiêu những chất dơ-bẩn làm cho những suối nước có nhiều chất độc; vả lại cây cối rậm rạp đến nỗi ánh sáng mặt giời không chiếu qua được mà thấm xuống đất, lại không thoáng khí, mà thành ra hôi hám. Vì thế người ta phải khai phá, tu bổ rừng rú. Cây cối cũng như các loài súc-vật, bao giờ cũng có cuộc chiến-tranh rất là dữ dội.

Những dây liên-lý thì cuốn xung quanh những cây cổ-thụ mà làm cho ngạt hơi, chẳng khác nào con chăn nó cuốn ngang mình con chiên