Triều đình An Nam và vua Duy Tân dưới con mắt nhà văn sĩ hàn lâm Eugène Brieux
Vào khoảng năm 1910, nhà văn sĩ có chân trong Hàn lâm Viện Văn chương Eugène Brieux[1] được cử đi du lịch phương Đông.
Sau cuộc hành trình ấy về, ông có cho xuất bản một quyển sách viết theo lối nhật ký, nhan đề là “Voyage en Indochine. ‒ Simples notes d'un touriste”, trong ấy ông đã mô tả một cách rõ rệt tình hình các xứ Viễn Đông, nhất là tình hình chính trị ở xứ Đông Dương ta.
Dưới đây là một đoạn văn ông nói về triều đình An Nam và vua Duy Tân, một đoạn mà chính ở báo này, ông Trần Thanh Mại đã có nhắc qua một lượt.
Nay xin trích dịch ra đây cho đầy đủ, gọi là cung cho độc giả một món tài liệu về sử học, việc mà Sông Hương vẫn theo đuổi lâu nay.
*
* *
Chúa nhật 12 Novembre
Tôi đã thấy vị hoàng đế trẻ con ấy rồi. Ông Khâm sứ và tôi đã mang bộ lễ phục đen, về dịp ấy ‒ khi mười giờ mai! Tôi đã tự lấy làm hổ thẹn về tấn kịch khôi hài mà chính tôi, tôi cũng phải đóng trước cậu bé ngây thơ ấy.
Các quan Phụ chánh, như một đàn quạ, đến chào chúng tôi; tôi có cái cảm giác khó chịu trong khi nắm trong tay mình những bàn tay móng dài và cong, chỉ sợ gãy bể đi mất, nó bắt nghĩ đến những vuốt của thú vậy.
Họ đi trước chúng tôi, mời chúng tôi đi qua một cánh cửa nhỏ. Đây chúng tôi đã vào tới chỗ chính điện. Các vật đầu tiên mà tôi thấy, trong khi trong óc tôi còn mường tượng những tội ác ngày xưa đã xảy ra ở đây, các vật đầu tiên ấy là một thức chơi của trẻ con, một chiếc ô-tô mà thường người ta vặn máy lò xo cho chạy ấy. Thật là buồn cười quá đi mất! Một cánh cửa khác mở ra, rồi trước hàng đình thần ghê tởm, một anh chàng tí hon mặc toàn sắc vàng, đến trước chúng tôi, đạo mạo, nghiêm trang, bị chăn giữ, bị xô đẩy nữa, và đưa tay ra chào. Trông dạng cậu bé không tới sáu tuổi.
Ấy thế mà thương hại! Cậu lại có dáng điệu lắm đấy! Những cử chỉ cậu đã dùng để chỉ chỗ ngồi cho ông Khâm sứ và tôi, đầy những vẻ bệ vệ oai nghi. Nhưng thấy vậy, người ta chỉ có thể cảm động thương tâm mà thôi.
Những thị vệ ăn mặc lôi thôi mang thuốc xì gà và rượu sâm banh lại ‒ trong giờ nầy! ‒ Những kẻ dâng cái cúp bằng kim khí cho vua, đều quỳ xuống cả.
Câu chuyện bắt đầu trao đổi, nhờ một viên thông ngôn cúi gãy đôi người ra và nói nhỏ tiếng vì cung kính. Các quan đại thần thì chú mắt vào cậu bé và như ở đây, mà cũng còn nhắc cho cậu những câu vấn đáp họ đã soạn sẵn. Người ta có thể nói đó là những anh gõ đầu trẻ đứng trông học trò mình thi, cái cuộc thi nó sẽ định đoạt tương lai của họ.
Trong khi vua đang trao đổi những câu lễ phép lấy lệ với quan Khâm sứ, tôi cố nhìn. Vua vẫn có một bộ mặt thông minh, nhưng xét cho kỹ thì thấy có dáng lo lắng buồn rầu hơn là nghiêm trang. Vua tỏ ra bộ sợ không thuộc bài của mình; trông hai bàn tay chút xíu măn mo một chiếc khăn lụa thì biết vua đang bực tức lắm. Rồi trong khi những tiếng “Tâu Hoàng thượng” lặp đi lặp lại nhiều lần, văng vẳng đến tai tôi, tôi nhìn cái mũ nho nhỏ hất lên trời ấy, cái trán nho nhỏ ấy, rồi tôi chỉ muốn nói: “Thôi được rồi! Cậu trả lời được đúng cả rồi đấy. Bây giờ cho cậu đi chơi!”.
Nhưng vua đã xây lại tôi, và hỏi tôi đi tàu có bình an không, cái mục đích cuộc hành trình của tôi, v.v... Mỗi lần trước khi nói, vua nín lặng lâu như để cố nhớ lại đã. Nếu như không buồn thảm đến thế, thì tôi đã bật cười vì thấy cách mệt nhọc của vua trong khi gắng làm cho ra bộ thích nghe những câu trả lời của tôi.
Xong mấy câu thi lễ cần thiết, ông Khâm sứ xoay cuộc nói chuyện ra một chiều thân thiện hơn. Bây giờ thì vua bắt đầu nói tiếng Pháp, và nghe hiểu cũng kha khá. Vua chỉ muốn cười, và mỗi khi cười thì cái mũi nho nhỏ của ngài nhăn lại ở phía trên sống, như một đứa con nít nhỏ lắm ấy. À! Thật thế ư? Ra người chú ngài đi tàu bể lại say sóng kia! Thế thì chẳng buồn cười lắm nhỉ? Rồi một giọng cười trong trẻo đưa ra, làm cho không khí bấy giờ phải ngạc nhiên... Nhưng bây giờ ông chú ấy ở đâu rồi nhỉ? Ở thành Avignon, gần thành Avignon.[2]
Người ta còn cắt nghĩa cho vua rằng vì lòng tử tế mà chính phủ Pháp lựa xứ ấy cho chú ngài ở, vì khí hậu ở đấy cũng gần giống như ở An Nam. Vua lại cười nữa, và nói rằng mình sợ ngựa lắm.
Nhưng bỗng nhiên vua dừng nín bặt, e lệ và nhìn trộm năm ông quan im lặng mặc y phục thâm vẫn đứng nhìn vua cung kính lắm.
Chúng tôi ra về. Vẫn là cái bắt tay bệ vệ oai nghi như trước. Chúng tôi ra xa. Tôi đoái lui thì thấy cậu bé mặc áo vàng như muốn chạy theo nhưng mấy quan Thượng thư đã lôi lại.
Chúng tôi lại đi qua các cánh cửa ngày xưa ít khi nào mở, và để lại sau mình, tức là ở giữa cậu bé và sự tự do, những đền đài không mỹ thuật, ẩm thấp, vắng vẻ, những thành trì xây theo kiểu Vauban, với hào, với lũy, với tất cả cánh cửa làm ra để giam cầm vua lại hơn là để bảo hộ cho vua.
Thương hại cho cậu bé!
Cung điện của cậu giống như một viện bảo tàng nhân chủng, ở trong ấy người ta chăm nom mà cất kỹ cái mẩu cuối cùng và quý báu của một giống đã mất rồi.
Cậu bé ấy có tính đa cảm lạ thường, nóng nảy như tính cha. Người ta kể cho tôi rằng hễ bị rầy một tí là cậu đã đâm ra khóc nức nở.
Không phải là cậu không biết cái địa vị của cậu. Ngay bây giờ cậu đã có nhiều cơn giận dữ, còn là vô hiệu, khiến nhiều khi cậu trở lại đương đầu với các vị Thượng thư và nói với họ rằng: “Ta là vua”.
Vua cũng giữ thể diện của mình lắm. Có một viên thầy thuốc nhà binh mới qua, đã đến thăm vua nhiều lượt rồi mà khi nào cũng mặc áo quần trắng thường. Một hôm, vua bảo ông ta rằng:
‒ Như tuồng tôi chưa bao giờ thấy ông mặc lễ phục cả thì phải.
Viên thầy thuốc xin lỗi:
‒ Mặc âu phục thì phải cái nóng lắm.
Vua liền gắt:
‒ Thế thì ông sẽ chịu nóng vậy!
Vua lại còn có nhiều câu nói ngẳng và xấc nữa. Trong một cuộc đại lễ, một vị quan to tưởng phải đọc cho vua một tờ chúc từ cho thật dài, vua ngắt đi nửa chừng mà bảo:
‒ Ông không mệt à?
Tôi có hỏi người ta có ý đem vua sang Pháp khi nào không, thì họ trả lời:
‒ Có chứ! Nếu như có một cuộc đấu xảo, thì sẽ đem vua đi.
Thương hại cho cậu bé![3]
EUGÈNE BRIEUX
Chú thích
- ▲ Eugène Brieux (1858-1932) người Pháp, nhà viết kịch, nhà báo, nhà du lịch; cuốn du ký kể tên trong bài xuất bản năm 1910.
- ▲ Ám chỉ đức ông Hoài Ân vương Bửu Yêm, hồi ấy qua du học bên Pháp. (nguyên chú của tòa soạn S.H.)
- ▲ Bài dịch không ghi tên dịch giả; vậy tác quyền thuộc tòa soạn, tức là do Phan Khôi dịch.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành lần đầu tiên ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ (và không được phát hành ở Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày) và nó được phát hành lần đầu tiên trước 1989 mà không tuân thủ các thủ tục bản quyền của Hoa Kỳ (gia hạn và/hoặc thông báo bản quyền) và nó thuộc phạm vi công cộng ở quốc gia gốc vào ngày URAA (1 tháng 1 năm 1996 đối với đa số quốc gia, đối với Việt Nam là ngày 23 tháng 12 năm 1998).
Tác giả mất năm 1932, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)
Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 và tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)