Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ về việc thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Hoa Kỳ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ về việc thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Hoa Kỳ  (2022) 
của Hội nghị ngoại giao, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 2022.

1. CHÚNG TA các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (Hoa Kỳ), cùng gặp mặt nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 10, và kỷ niệm 45 năm Quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, ngày 12 tháng 11 năm 2022;

2. ĐÁNH GIÁ CAO sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang phát triển, cũng như những đóng góp không ngừng nghỉ của Hoa Kỳ cho hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực, cũng như cho quá trình hội nhập của ASEAN và tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN;

3. TÁI KHẲNG ĐỊNH tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi, những giá trị và chuẩn mực chung được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP);

4. GHI NHẬN rằng AOIP và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đều có chung các nguyên tắc cơ bản trong việc thúc đẩy một cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN là trung tâm, cùng với các đối tác có cùng các mục tiêu này;

5. ĐÓN NHẬN sự phát triển đáng ghi nhận trong quan hệ hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội của chúng ta kể từ khi Quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ được thiết lập tại Manila vào năm 1977;

6. NHẤN MẠNH rằng với tư cách là các đối tác chiến lược, ASEAN và Hoa Kỳ đã củng cố quan hệ đối thoại thông qua các cuộc họp lãnh đạo thường niên (từ năm 2009); hội nghị lãnh đạo cấp cao (từ năm 2013); nâng tầm Quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ lên thành Quan hệ đối tác chiến lược (năm 2015); Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt các nhà lãnh đạo ASEAN – Hoa Kỳ (Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands) – Hội nghị thượng đỉnh độc lập ASEAN – Hoa Kỳ đầu tiên tại Hoa Kỳ (năm 2016); mở rộng quan hệ hợp tác và tham gia giữa ASEAN và Hoa Kỳ thông qua các cuộc họp cấp bộ trưởng đã diễn ra và dự kiến sẽ được tổ chức về các chủ đề như khí hậu và môi trường, năng lượng, y tế, giao thông vận tải, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ – dựa trên lịch sử tham gia cấp bộ trưởng của hai bên trong lĩnh vực quốc phòng (năm 2010) và kinh tế (năm 2002); và Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ (năm 2022) để kỷ niệm 45 năm Quan hệ Đối tác Đối thoại – nơi lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden Jr. chào đón các nhà lãnh đạo ASEAN tới thủ đô Washington D.C. Của Hoa Kỳ;

7. TÁI KHẲNG ĐỊNH các mục tiêu và nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố Tầm nhìn chung của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ đã được các nhà Lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ thông qua tại Washington, D.C. vào ngày 12 tháng 5 năm 2022;

8. NHẤN MẠNH rằng Kế hoạch công tác nhằm triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ (2021-2025) đã nêu những cam kết chung của chúng ta trong khuôn khổ các trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội của ASEAN, các ưu tiên đối với hợp tác trong thương mại và đầu tư; hợp tác hàng hải; bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; phát triển kỹ thuật số và an ninh mạng; chuyển đổi năng lượng; thành phố thông minh; sức khỏe cộng đồng; quản trị tốt và nhân quyền; phát triển vốn con người; giao lưu nhân dân; tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố; hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs); chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); hỗ trợ Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và Thu hẹp khoảng cách phát triển; và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc;

9 GHI NHẬN rằng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 9, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã tuyên bố ý định của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ 102 triệu USD cho các sáng kiến mới nhằm mở rộng Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ, và tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ năm 2022, Tổng thống Hoa Kỳ John Biden đã công bố rằng bên cạnh hơn 800 triệu USD được yêu cầu trong năm tài chính 2023 cho các chương trình song phương với các quốc gia thành viên ASEAN, hơn 12 tỷ USD cho hỗ trợ phát triển, kinh tế, y tế và an ninh kể từ năm 2002, cùng hơn 1,4 tỷ USD cho hỗ trợ nhân đạo, bao gồm hỗ trợ cứu người trong thảm họa, viện trợ lương thực khẩn cấp và hỗ trợ người tị nạn trên toàn khu vực Đông Nam Á cùng trong giai đoạn đó, Hoa Kỳ sẽ dành 150 triệu USD cho các chương trình tại khu vực ASEAN để hỗ trợ việc triển khai Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), cũng như để thể hiện cam kết sâu sắc của Chính quyền Biden-Harris đối với vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

THEO ĐÓ CHÚNG TÔI TUYÊN BỐ:

  • THIẾT LẬP Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN – Hoa Kỳ nhằm phản ánh những kết quả đầy tham vọng của Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 9 và Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ năm 2022, cũng như để mở rộng thêm các lĩnh vực hợp tác mới có vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai của một tỷ người sinh sống tại ASEAN và Hoa Kỳ, đồng thời giao cho các quan chức của hai bên nhiệm vụ theo dõi việc triển khai quan hệ này.
  • TÁI KHẲNG ĐỊNH sự ủng hộ nhất quán đối với cấu trúc khu vực cởi mở, minh bạch, bền vững, bao trùm và lấy ASEAN làm trung tâm nằm giữa khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thúc đẩy vai trò mạnh mẽ, thống nhất và mang tính xây dựng của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực cùng quan tâm.
  • TIẾP TỤC TÁI KHẲNG ĐỊNH rằng Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN – Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ mục tiêu của ASEAN trong việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) thông qua các cơ chế hiện có do ASEAN lãnh đạo, cũng như ủng hộ các nguyên tắc mà nó dựa trên.
  • TĂNG CƯỜNG hợp tác hàng hải thông qua các cơ chế hiện có do ASEAN lãnh đạo bằng cách duy trì tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan liên quan của ASEAN và Hoa Kỳ, bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải, nhằm hợp tác để nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ, phục hồi và quản lý bền vững môi trường biển, an toàn hàng hải, an ninh và giáo dục, cũng như thúc đẩy nghề cá bền vững và có trách nhiệm, bao gồm thông qua khả năng hợp tác với Mạng lưới ASEAN về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (AN-IUU).
  • XÂY DỰNG khả năng kết nối giữa người với người trong và ngoài khu vực bằng cách thúc đẩy hợp tác kinh tế và văn hóa xã hội, bao gồm thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, tập trung vào quản trị tốt và pháp quyền, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, trao quyền cho thanh niên và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hoặc bị thiệt thòi, thúc đẩy quyền của người khuyết tật, đầu tư vào giáo dục, quảng bá và bảo tồn các di sản văn hóa, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy công bằng và bình đẳng giới, đồng thời tăng cường kết nối giữa một tỷ người sinh sống tại ASEAN và Hoa Kỳ.
  • THÚC ĐẨY những nỗ lực nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc thông qua đẩy mạnh sự bổ sung lẫn nhau giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững, đặc biệt chú trọng vào xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đồng thời thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thông qua phát triển công bằng và tăng trưởng kinh tế bền vững, bao gồm cả trong các lĩnh vực năng lượng bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch và công bằng và triển khai năng lượng tái tạo; khử cacbon của ngành giao thông vận tải; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; an ninh y tế; quản lý bền vững nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên; an toàn thực phẩm; nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và quản lý đất đai bền vững.
  • TĂNG CƯỜNG quan hệ đối tác trong hợp tác kinh tế và kỹ thuật, xúc tiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng với tiêu chuẩn cao, minh bạch và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm các dự án trong Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, như một phần trong quá trình chuyển đổi hướng tới phát thải ròng bằng không của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững và kết nối khu vực thông suốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng hơn và bao trùm hơn cũng như phát triển bền vững nhằm đạt được sự thịnh vượng bền vững và có ảnh hưởng rộng khắp trong khu vực ASEAN và Hoa Kỳ, cũng như khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19.
  • CỦNG CỐ quan hệ hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, an ninh hàng hải, chống khủng bố, hoạt động gìn giữ hòa bình, quân y, hành động bom mìn nhân đạo và an ninh mạng thông qua khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+).
  • ĐẨY MẠNH HƠN NỮA sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong thông qua các sáng kiến chung trong khuôn khổ Quan hệ đối tác Mekong – Hoa Kỳ.(MUSP), với vai trò bổ sung cho Hội nghị Bộ trưởng Những người bạn của Mekong và hỗ trợ việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Kế hoạch Công tác ASEAN IAI IV (giai đoạn 2021-2025), nhằm hỗ trợ vai trò trung tâm và sự thống nhất trong việc thúc đẩy phát triển tiểu vùng của ASEAN.

ĐƯỢC THÔNG QUA tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, vào ngày Mười hai tháng Mười một năm Hai nghìn không trăm hai mươi hai, với một bản gốc duy nhất bằng tiếng Anh.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: