Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn/Đời sống và sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyển tập tạp văn của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Phụ lục: Đời sống và sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn

(Bài nói chuyện ở cuộc lễ kỷ niệm Lỗ Tấn ngày 30-10-1955 tại thủ đô Hà Nội)

Lỗ Tấn qua đời đến nay đã mười chín năm. Những sách của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Cho nên ông chẳng những là một đại văn hào Trung Quốc mà cũng là một đại văn hào thế giới. Sách của ông nhiều lắm, tôi chưa đọc được hết. Vả lại, những sách người ta phê bình bàn luận về ông cũng nhiều lắm, mà tôi cũng chưa đọc được hết. Vậy hôm nay tôi đứng lên đây giới thiệu Lỗ Tấn cùng các bạn, tôi không dám chắc tôi nói có đúng cả không và có đầy đủ không. Tuy vậy, tôi cũng xin lấy sức biết của mình và tấm lòng trung thực của mình đối với một đại văn hào cũng là một đại chiến sĩ cách mạng mà nói chuyện với các bạn. Bài nói chuyện này chia làm bảy đoạn:

  1. Đời sống Lỗ Tấn và bối cảnh thời đại Trung Quốc;
  2. Thế nào Lỗ Tấn đã trở nên một nhà văn;
  3. Những trứ thuật của Lỗ Tấn;
  4. Đấu tranh về văn học;
  5. Đấu tranh về chính trị;
  6. Những điều chúng ta nên học tập ở Lỗ Tấn;
  7. Kết luận.

1. Đời sống Lỗ Tấn và bối cảnh thời đại Trung Quốc

Lỗ Tấn tên thật là Chu Thụ Nhân, tự là Dự Tài, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 ở một gia đình nho học tại phủ thành Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang. Năm 1881 tức là sau chiến tranh nha phiến bốn mươi năm, sau Hồng Dương cách mạng ba mươi năm. Bấy giờ bản thân phong kiến Trung Quốc đã hủ bại suy đồi, thế lực xâm nhập của đế quốc như Anh, Pháp đã bắt đầu lan rộng nhiều nơi trong nước, nhân dân đã thêm bần cùng thống khổ vì chịu sự bóc lột đè nén của cả hai phía. Lỗ Tấn càng ngày càng khôn lớn lên thì triều đình Mãn Thanh càng ngày càng suy yếu đổ nát, Trung Quốc dần dần trở thành một nước nửa thuộc địa.

Từ sáu tuổi đến mười bảy tuổi, ông đã đọc đủ các sách kinh sử, có một cái vốn cựu học chắc chắn. Năm mười sáu tuổi cha chết, cảnh nhà sa sút, bị người chung quanh khinh rẻ, Lỗ Tấn bắt đầu có ý đoạn tuyệt với quê hương. Năm mười tám tuổi, nhờ bà mẹ chạy cho được tám đồng bạc đi đến Nam Kinh, thi vào Thủy sư học đường, sau chuyển sang Khoáng lộ học đường. Bốn năm tốt nghiệp, được tuyển đi du học Nhật Bản. Trong bốn năm Lỗ Tấn học ở Nam Kinh ấy, Trung Quốc xảy ra ba việc lớn: Chính biến Mậu Tuất năm 1898, Nghĩa hòa đoàn đấu tranh phản đế và liên quân tám nước đánh Bắc Kinh năm 1990, ký điều ước Tân Sửu năm 1901. Một người thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi có học thức có chí khí như Lỗ Tấn mà gặp những biến cố ấy chắc phải bị khích thích nhiều lắm.

Ở Nhật Bản học lớp dự bị hai năm rồi vào học thuốc ở trường y học Tiên Đài. Được hai năm, bỏ học thuốc, bắt đầu có quyết tâm quay sang công tác văn nghệ. Bấy giờ thanh niên Trung Quốc lưu học ở Nhật Bản đông lắm, và tại đó, hai phe chính trị đối lập của Trung Quốc, phe cách mạng của Tôn Trung Sơn và phe bảo hoàng của Lương Khải Siêu đều có cơ quan tuyên truyền, công kích nhau kịch liệt. Tự nhiên là Lỗ Tấn đứng về phía phe cách mạng. Ông có gia nhập Quang phục hội là một đoàn thể cách mạng.

Ở Nhật Bản cả thảy tám năm, đến năm 1909 thì Lỗ Tấn về nước. Vì gia đình nghèo túng, gửi thư mong ông về giúp đỡ sự sống cho gia đình nên ông phải về. Về nước rồi, làm giáo sư trong mấy trường trung học tỉnh nhà, dạy về vật lý học, hóa học. Đến năm 1911 thì có cuộc Cách mạng Tân Hợi, Lỗ Tấn cũng có tham gia hoạt động ít nhiều tại nơi mình ở. Năm 1912, sau khi chính phủ lâm thời thành lập tại Nam Kinh, ông nhận lời mời của Thái Nguyên Bồi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đi làm một chức viên trong bộ ấy theo chính phủ dời lên Bắc Kinh, ở đó cho đến năm 1926.

Trong khi làm chức viên ở Bộ Giáo dục, Lỗ Tấn có kiêm làm giảng sư ở mấy trường đại học tại Bắc Kinh. Năm 1917, nhân việc Trương Huân "phục tích", ông phẫn mà từ chức ở Bộ Giáo dục, trong hai tuần lễ Trương Huân thất bại, ông lại phục chức. Tháng 8 năm 1925, nhân Chương Sĩ Chiêu Bộ trưởng Bộ Giáo dục đàn áp học sinh, Lỗ Tấn phản đối ra mặt, bị Chương Sĩ Chiêu cách chức, nhưng sang đầu năm sau, sau khi Chương Sĩ Chiêu hạ dã, ông được phục chức, làm việc ở Bộ Giáo dục như cũ.

Ngày 18 tháng 3 năm 1926, học sinh và công nhân Bắc Kinh có một cuộc biểu tình, bị chính phủ Đoàn Kỳ Thụy thẳng tay đàn áp, bắn chết và bị thương hơn hai trăm người. Chúng đổ cho cuộc biểu tình ấy là cuộc bạo động của Đảng cộng sản mà Lỗ Tấn là một người trong đám lãnh đạo, sức trát nã, ông phải lánh nạn trong mấy bệnh viện ngoại quốc, đến tháng 5 mới trở về nhà. Và, liệu không thể yên thân được, tháng 8 ông bèn lìa Bắc Kinh, đi Phúc Kiến, làm giáo thụ ở trường Hạ Môn đại học.

Ở Phúc Kiến cũng không yên thân, tháng giêng năm 1927, ông đi đến Quảng Châu, làm chủ nhiệm văn học hệ ở trường Trung Sơn đại học. Ngày 12 tháng tư, Tưởng Giới Thạch làm phản Cách mạng, giết tại đó hơn ba ngàn người vừa đảng viên cộng sản, vừa công nông tri thức, ông chạy cứu cho những học sinh bị bắt mà không được, bèn từ chức. ở Quảng Châu, Lỗ Tấn thấy mình cũng có nguy cơ bị hại, tháng 10 trở lên Thượng Hải. Năm ấy ông đã 47 tuổi.

Ở Thượng Hải luôn từ cuối năm 1927 cho đến ngày qua đời. Trong thời gian mười năm ở đây, ông chuyên viết báo viết sách mà không dạy học nữa. Lúc bấy giờ chính là lúc Tưởng Giới Thạch đàn áp Cách mạng nghiêm ngặt tàn khốc lắm, mà Lỗ Tấn lại cứ hoạt động phản đối và cứ hay viết báo công kích, cho nên có ba lần sợ nguy hiểm đến tính mạng, phải tạm lánh mình trong mấy tô giới. Năm 1932, Nhật Bản đánh Thượng Hải, nhà trọ Lỗ Tấn ở ngay trong vòng lửa đạn, cũng phải dời ở tô giới Anh. Năm 1936, ông lâm bệnh, ngày 19 tháng 10 qua đời, vừa đúng 56 tuổi.

Cả một đời Lỗ Tấn đại khái là như thế. Từ đẻ ra cho đến chết, gặp lúc nước nhà suy loạn, luôn luôn ở dưới thế lực thống trị đen tối, mà ông cứ hoạt động chống lại cái thế lực ấy bằng cách này hay cách khác, nhất là bằng ngòi bút.

2. Thế nào Lỗ Tấn đã trở nên một nhà văn

Lỗ Tấn ở Nhật Bản học thuốc, theo lời ông, một là vì thấy nói cuộc duy tân Nhật Bản bắt đầu từ theo y học Thái Tây; một nữa là vì khi phụ thân ông lâm bệnh đến ba năm, thầy thuốc chữa quấy chữa quá, dùng những phương thang rất kỳ quái, rốt cuộc hết tiền mà người không sống được, ông lấy làm phẫn uất nên cố học thuốc để về sau cứu người. Nhưng học ở trường Tiên Đài được hai năm, nhân một hôm xem chiếu bóng trong lớp học, chiếu phim chiến tranh Nhật Nga, thấy có một người Trung Quốc làm trinh thám cho quân Nga bị người Nhật bắt chém, thế mà một số người Trung Quốc khác lạnh lùng đứng xem, không có một dáng tứ giận hay xấu hổ, ông bèn quyết định bỏ học thuốc mà quay sang làm văn nghệ. Vì nghĩ rằng học thuốc rồi chữa cho những người mà tinh thần đã tê điếng chai đỉa ấy khiến thân thể của họ được cường tráng thì cũng chỉ để làm nô lệ mà thôi, không bằng chữa tinh thần cho họ được lành mạnh là cần kíp hơn. Mà muốn chữa tinh thần thì ngoài văn nghệ ra không có thuốc gì.

Lỗ Tấn từ hồi nhỏ đã có một cái vốn chắc chắn về cựu học; lúc ở Nam Kinh lại được học một mớ sách văn học khoa học của phương Tây dịch ra chữ Hán; sang Nhật Bản, nhờ học thông tiếng Nhật, tiếng Đức mà đọc được bản dịch các sách của những nhà thơ yêu nước và cách mạng trên thế giới như Bayơn, Sinle, Hangry Hen, Puskin, Lecmongtov, Petophi mà về sau trong văn chương ông thường nhắc đến luôn. Một sinh viên y khoa mà thình lình bỏ trường đi làm văn nghệ là nhờ có sự dự bị đó.

Định thực hành công tác văn nghệ nhằm mục đích "chữa tinh thần", sau khi bỏ trường, Lỗ Tấn trù tính cùng mấy người bạn toan ra một cái tạp chí tên là Tân sinh, nhưng chưa ra đã thất bại. Lại cùng em ruột là Chu Tác Nhân dịch tiểu thuyết nước ngoài, in thành hai tập, gọi là Vực ngoại tiểu thuyết tập, thì bán không chạy. Sở dĩ không chạy, một là vì viết bằng văn ngôn, kén người xem; một là vì dịch toàn những tiểu thuyết của dân tộc bị áp bách ở Bắc Âu, không hợp với sở thích của độc giả trong thời ấy. Ông còn viết nhiều bài bằng văn ngôn đăng ở mấy tạp chí Trung Quốc ra tại Nhật Bản, như những bài Sức mạnh của dòng thơ Mo-rô[1], Hồn của người Sparle, đều là một đem cái tinh thần quật cường của người phương Tây sún cho người Trung Quốc đang chịu lỳ dưới ách đế quốc và phong kiến, nhưng hình như không có hiệu quả gì cả. Những việc làm như thế, Lỗ Tấn tự cho là thất bại, nhưng không hề vì đó nản chí.

Ở Bắc Kinh mấy năm, chính mắt thấy những sự Viên Thế Khải xưng đế, Trương Huân phục tích, Tào Côn hối tuyển, nhất là bọn đế quốc câu kết với quân phiệt gây nội chiến, làm cho Lỗ Tấn thấy Cách mạng Tân Hợi là thất bại vì không triệt để, dường như thất vọng và đâm ra có thái độ chìm lặng. Tức như một hôm, người bạn của ông Tiền Huyền đồng đến chơi, thấy những bài bia xưa do chính tay ông sao chép đóng thành một tập, hỏi:

- Anh chép cái này làm gì?

- Chẳng làm gì hết. - Lỗ Tấn đáp.

- Vậy thì anh chép nó có ý chi?

- Chẳng có ý chi hết.

Trước cái thái độ đó, người bạn của ông biện thuyết một hồi rồi khuyên ông viết bài đăng tạp chí Tân thanh niên là tạp chí tiến bộ lúc bấy giờ. Lỗ Tấn bèn viết cái truyện ngắn Nhật ký người điên tức là cái truyện ngắn đầu tay của ông. Việc đó ở tháng tư năm 1918, trước cuộc vận động "Ngũ tứ" một năm đúng. Từ đó tiếp tục viết tiểu thuyết và tạp văn, Lỗ Tấn trở nên một nhà văn chính thức.

Nhưng có thể nói Lỗ Tấn thành ra một nhà văn cách mạng chân chính, một chiến sĩ dùng ngòi bút đấu tranh cho chính nghĩa, phục vụ cho nhân dân thì từ năm 1928 về sau. Năm 1928, trong tạp chí Bôn lưu, Lỗ Tấn bắt đầu nghiên cứu khoa học xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, phiên dịch lý luận văn nghệ của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời cũng tiếp xúc đảng viên Đảng cộng sản và tham gia những cuộc vận động quần chúng của Đảng cộng sản phát khởi. Tư tưởng Lỗ Tấn từ đây có một điểm biến cải rất quan trọng: Trước kia viết văn nhằm cái hướng "chữa tinh thần" tức là cải tạo quốc dân tính, thì bây giờ thấy làm như thế là làm đảo ngược mà đổi nhằm cái hướng giải phóng đại chúng công nông. Nói là đảo ngược vì theo lẽ, phải giải phóng đại chúng trước, rồi quốc dân tính tự nhiên được cải tạo sau, nếu quốc dân còn ở dưới quyền thống trị phản động thì quốc dân tính không làm thế nào cải tạo được. Điều đó cắt nghĩa tại làm sao trong mười năm ở Thượng Hải, Lỗ Tấn không viết tiểu thuyết nữa mà chỉ viết tạp văn. Những tạp văn đến chín tập ấy, nói tóm là một mớ dao găm đâm thẳng vào mặt chính trị của phe phản động Tưởng Giới Thạch để giúp cho công cuộc giải phóng.

Không ai có thể cãi chối mà nói rằng Lỗ Tấn trở nên một nhà văn chân chính, một chiến sĩ cách mạng chân chính, chẳng những có ảnh hưởng ở Trung Quốc mà có ảnh hưởng đến thế giới là không nhờ chủ nghĩa Mác - Lênin hướng dẫn cho, và không nhờ Đảng cộng sản Trung Quốc dắt đưa và khuyến khích cho.

Có một điều chúng ta nên chú ý là: Lỗ Tấn thấm nhuần tư tưởng Mác - Lênin như vậy, thông hiểu lý luận văn nghệ Mác - Lênin như vậy, mà trong văn chương của ông hầu như không có dùng những danh từ mác-xít như là biện chứng pháp duy vật, lịch sử duy vật. Một lần có người viết thư hỏi ông về những cái đó, ông có trả lời với một cách dè dặt, nhưng trước tiên ông nói rằng đối với những cái đó ông là "môn ngoại hán". Đọc sách của ông, tôi nhớ đến con tằm: con tằm ăn dâu rồi nhả ra tơ, nếu nhả ra dâu thì không còn phải là con tằm.

3. Những trứ thuật của Lỗ Tấn

Những trứ thuật của Lỗ Tấn, hồi ông còn sống đã có in ra một số. Có thứ độc lập thành một bộ như Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Có thứ nguyên là từng bài đăng trên báo, một vài năm dồn lại in thành tập riêng: tiểu thuyết thì như hai tập Nột hám, Bàng hoàng; tạp văn thì như Phần, Nhiệt phong... cộng cả thảy mười sáu tập. Nhưng có những thứ khác đã in ra từ lâu mà về sau tuyệt bản; có thứ là những bài đăng báo đôi ba chục năm trước mà bây giờ thất lạc khó tìm ra; lại có những thứ còn nguyên bản thảo chép tay, chưa ấn hành được. Lỗ Tấn từng chính tay chép ra mấy bản mục lục sách của mình mà cũng còn không hoàn toàn đầy đủ.

Sau ngày ông chết, "Hội ủy viên kỷ niệm Lỗ Tấn tiên sinh" liền được thành lập, do Thái Nguyên Bồi làm chủ tịch, Tống Khánh Linh làm phó chủ tịch, cùng các ủy viên khác chia nhau mỗi người một việc, lo biên tập tất cả những trứ thuật của ông, gồm lại gọi là Lỗ Tấn toàn tập. ấy là một công việc phiền trọng và khó khăn lắm. Chưa nói đến việc in, chỉ một việc sưu tầm và khảo hiệu cũng đã phải động viên hơn một trăm người vừa văn nhân vừa học giả, trải qua gần hai năm mới xong. Lỗ Tấn toàn tập gồm có sáu trăm vạn chữ, đóng thành hai chục cuốn lớn, mỗi cuốn từ trên 500 trang đến trên 700 trang. Một bộ sách vĩ đại như thế, tưởng cũng là vào hạng ít có kể giữa các sách của các nhà văn hào trên thế giới.

Nếu phân loại một cách sơ lược thì bộ Lỗ Tấn toàn tập có thể chia làm ba loại: Một là loại sách hiệu chính hay biên toản, tức là sách của người đời xưa hay người đồng thời mà ông hiệu chính lại cho đúng; biên toản là trong các sách đời xưa có những cái cùng một bộ môn mà rời rạc ra thì ông quy tụ lại thành một bổn cho tiện xem. Hai là loại sách dịch, có cả tiểu thuyết, đồng thoại, luận văn, phần lớn là dịch ở tiếng Nga. Ba là loại sách sáng tác, tức là tiểu thuyết và tạp văn.

Loại sách thứ nhất rất có ích cho sự nghiên cứu văn học thời cổ. Như bộ Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, liệt kê những tiểu thuyết cổ từ đời Hán đến đời Thanh, tóm tắt nội dung, thêm lời luận đoán gọn mà rõ, người đọc có thể do đó tìm thấy cái vết phát triển và tiến bộ của tiểu thuyết Trung Quốc.

Loại sách thứ hai, tiểu thuyết như Linh hồn chết dịch của Gogol, ông mất công phu vất vả vào đó nhiều lắm; lý luận văn nghệ như Nghệ thuật luận dịch của Plekhanov và của Lunasacsky, đứng trên lập trường vô sản mà lập luận, cho nên bản dịch của ông đã giúp sự trưởng thành cho văn nghệ tả dực Trung Quốc hai mươi năm nay không ít.

Loại sách thứ ba là tất cả cái vinh quang của sự nghiệp văn học Lỗ Tấn. Về tạp văn, tôi sẽ nói ở hai đoạn sau, ở đây xin nói về tiểu thuyết của ông.

Kể về lượng thì tiểu thuyết Lỗ Tấn không nhiều bằng tạp văn, nhưng kể về phẩm thì hai thứ ngang nhau, tiểu thuyết cũng có cái đặc sắc của tiểu thuyết. Trọng yếu nhất là hai truyện ngắn Nhật ký người điên và A Q. chính truyện, tôi xin đem giới thiệu sơ qua cùng các bạn.

Nhật ký người điên, chủ đề của nó là đánh đổ lễ giáo đạo đức phong kiến mà đề tài là "ăn thịt người". Toàn truyện cố nhiên nói chuyện ăn thịt người, nhưng cái chỗ dụng ý là tố cáo sự khốc hại tàn nhẫn của lễ giáo đạo đức cũ Trung Quốc, nhiều khi bắt người ta phải chết, như Thân Sinh vì hiếu mà phải chết, Nhạc Phi vì trung mà phải chết. Những người cải lương trước Lỗ Tấn đều chủ trương cái thuyết "Trung học vi thể, Tây học vi dụng", cho đến những người đồng thời với Lỗ Tấn tuy có phản đối Khổng Tử, đả kích Tống Nho, nhưng đến toàn bộ lễ giáo đạo đức của Trung Quốc, không ai dám đả động đến. Lỗ Tấn mạnh dạn đứng ra làm việc này cũng như đánh một vố nặng vào xương sống phong kiến làm nó bị một cái trí mạng thương. Cái truyện ngắn này là một tiếng còi báo hiệu của cách mạng tư tưởng hay cách mạng văn hóa Trung Quốc. Đứng về phía văn học mà nói, thì khi nó vừa đăng báo xong, liền được công nhận là áng văn sáng tác thứ nhất đặt nền móng cho văn học mới Trung Quốc.

A Q. chính truyện, theo tôi hiểu, chủ đề có hai mặt: Một mặt tả người dân ở nông thôn bị đè nén bóc lột, khốn khổ điêu đứng, cuối cùng làm nạn nhân của Cách mạng Tân Hợi; nhưng mặt đó là thứ yếu của chủ đề. Một mặt khác, mặt này mới là chính yếu, theo lời Lỗ Tấn, là "vẽ ra linh hồn của người Trung Quốc". Ông từng có ý dùng văn nghệ để chữa tinh thần, mà có tìm ra bệnh căn mới chữa được, cho nên trong truyện ngắn này, bao nhiêu cái sở đoản của A Q. đều là cái sở đoản của người Trung Quốc nói chung. Bởi vậy khi nó đăng ra từng kỳ từng kỳ trên báo, có những người đọc mà tưởng là tác giả bới xấu mình, đọc đến kỳ khác lại tự yên ủi rằng không phải, vì hôm nay nói đến cái xấu khác mà mình không có. Lại có những người đọc rồi nghi có người này hay người kia là người quen với mình mới biết những cái xấu của mình mà viết, bèn đi tìm cho biết "Ba Nhân" là ai, vì dưới truyện ngắn này ký tên là Ba Nhân. Cử ra một vài hiện tượng đó đủ thấy sự thành công của A Q. chính truyện. Huống chi từ đó đến giờ, trong ngữ ngôn Trung Quốc, có nảy ra những danh từ "A Q. thức", "A Q. tướng", "A Q. chủ nghĩa", thì nó lại đã thành ra kinh điển của văn học.

Lỗ Tấn toàn tập, ở Nhật Bản đã có dịch và in ra. ở Liên Xô mới có tuyển tập mà dịch ra đến mười thứ tiếng trong toàn quóc. Các nước dân chủ nhân dân đều có dịch một vài thứ. Chỉ có A Q. chính truyện thì đến các nước tư bản chủ nghĩa cũng đều có dịch cả, người ta kể ra: Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Ácgiăngtin, Đan Mạch, ấn Độ, Miến Điện.

Trên kia có nói Lỗ Tấn là một chiến sĩ dùng ngòi bút đấu tranh cho cách mạng, cho nhân dân, vậy thì sự đấu tranh ấy thấy ra ở đâu? Có thể trả lời rằng ở tiểu thuyết và tạp văn. Dưới đây sẽ nói đến tạp văn.

4. Đấu tranh về văn học

Sau vận động "Ngũ tứ", trên văn đàn Trung Quốc, Lỗ Tấn thật giống như một vị tướng quân, thanh gươm yên ngựa, tả đột hữu xung, hễ có một đám giặc cỏ nào là một mình ra trận, bách chiến bách thắng.

Trước tiên là sự tranh luận giữa bạch thoại và văn ngôn. Bên phe chủ trương bạch thoại có nhiều người, không phải một mình Lỗ Tấn, nhưng tranh đến cùng là Lỗ Tấn. Đáng kể là mấy lần tranh luận với Chương Sĩ Chiêu. Trong Giáp dần tạp chí, Chương Sĩ Chiêu cho rằng văn ngôn gọn, bạch thoại phải dùng nhiều chữ, lòng thòng. Như câu "nhị đào sát tam sĩ", nói bằng bạch thoại phải nói là "lưỡng cá đào tử sát liễu tam cá độc thư nhân". Lỗ Tấn căn cứ sách Yến tử xuân thu, nói chữ sĩ đó là dũng sĩ, võ sĩ, dịch ra độc thư nhân là người đọc sách, người học trò, sai nghĩa. Một người đã dốt sách xưa, không thể bênh vực cho văn ngôn được. Lần khác, Chương Sĩ Chiêu dùng cái thành ngữ "mỗi hạ dủ huống" trong sách Trang Tử lầm ra là "mỗi huống dủ hạ". Lỗ Tấn chụp lấy, nói câu ấy xưa nay có nhiều người lầm lắm rồi, không ngờ người chủ trương văn ngôn như Chương Sĩ Chiêu mà cũng lầm. "Mỗi hạ dủ huống" nghĩa là hễ xuống chừng nào càng lắm chừng nấy, mà nói "mỗi huống dủ hạ" thì thành ra không có nghĩa gì hết; bất thông đến thế, sao dám đứng ra duy trì văn ngôn? Vả, Chương Sĩ Chiêu là tổng trưởng Bộ Giáo dục bấy giờ, bị mấy vố nặng ấy làm cho phe văn ngôn nhụt mất.

Một bọn khác cho ra tạp chí học hoành, chủ trương văn ngôn, chống bạch thoại. Mới ra số đầu, Lỗ Tấn viết một bài chỉ ra bảy chỗ dùng chữ bất thông hay là sai ngữ pháp, bọn ấy làm thinh không cãi được.

Ấy là những việc ở năm 1925 về trước. Đến năm 1934, bạch thoại đã thông hành lâu rồi, mà bọn thống trị Tưởng Giới Thạch còn đề xướng văn ngôn. Một người ký tên là Uông Mậu Tổ lắp lại cái thuyết gọn và lòng thòng của Chương Sĩ Chiêu, cử lệ rằng: Như bạch thoại nói "giá nhất cá học sinh hoặc thị ná nhất cá học sinh" thì văn ngôn chỉ nói "thử sinh hoặc bỉ sinh" là đủ rồi. Nhưng, theo Lỗ Tấn, "giá nhất cá học sinh hoặc thị ná nhất cá học sinh" chỉ nghĩa rành mạch là người học sinh này hoặc người học sinh kia; còn "thử sinh hoặc bỉ sinh", ít nữa có thể có hai nghĩa: 1, sinh viên này hoặc sinh viên kia; 2, đời sống này hoặc đời sống kia, là đời sống hiện tại hoặc đời sống tương lai. Nắm lấy đó, Lỗ Tấn phản công lại, nói rằng: "Cứ theo câu lệ của Uông Mậu Tổ đưa ra đủ chứng minh rằng văn ngôn hàm hồ không rõ nghĩa, không còn xài được nữa".

Đến sự tranh luận về phiên dịch. Cuộc tranh luận này cãi nhau nhiều và dai dẳng lắm, cuối cùng Lỗ Tấn vẫn cứ đánh vào chỗ yếu của bên địch mà thủ thắng. Lỗ Tấn thì chủ trương "trực địch", nguyên văn thế nào thì thông ngôn ra thế ấy, không thêm không bớt, không vụ lấy xuôi lời mà làm sai ý tác giả. Nhưng bên địch, bọn Lương Thực thu, Triệu Cảnh Thâm thì chủ trương "thuận dịch", miễn cho xuôi lời dễ hiểu, dù có sai nguyên văn chút đỉnh cũng không sao. Do đó mà có câu chuyện buồn cười dưới đây làm cho "ông thầy phiên dịch" Triệu Cảnh Thâm cay cú đến khó chịu.

Trong một bài văn của Triệu Cảnh Thâm dịch chữ Voie lactée là "Ngưu nhũ lộ" (đường sữa bò). Lỗ Tấn vớ ngay lấy, cười tủm tỉm: "Đó giống như là trực dịch, mà thực ra thì không phải!" Rồi kể một chuyện thần thoại Hy Lạp: Vị đại thần Zéus là thần ưa ve gái. Một lần ngự xuống trần gian tròng trẹo với một cô nào đó sinh được một đứa con trai. Bà Zéus là một nữ thần tổ ghen, biết được chuyện ấy, liền bắt đứa bé ấy về trên trời, chờ dịp giết chết. Nhưng đứa bé ngây thơ, không biết cái mưu độc ác ấy, có một lần hắn chạm phải cái đầu vú bà nữ thần, bèn ngậm lấy mà bú. Bà Zéus giật mình, xô hắn một cái, rơi xuống trần gian, chẳng những không chết mà về sau lại thành anh hùng. Nhưng, những tia sữa ở vú bà Zéus vì đó phun ra túa lụa đầy trời, thành ra sông Ngân Hà, tức là "đường sữa bò", à, không phải - Lỗ Tấn nói - thực ra là "đường sữa thần". Rồi nói thêm: "Có điều, ở người Tây, bất kỳ sữa gì cũng gọi là lait[2] cả, chúng ta thường thấy chữ ấy trên hộp sữa bò, có khi không khỏi dịch lầm là sữa bò, sự ấy cũng chẳng lấy gì làm lạ.

Ác là lại còn thêm một câu này: "Tôi kể câu chuyện trên đó chẳng qua để góp thêm chút ít tài liệu nhàn đàm cho mọi người và nhân đó biết thêm chút ít thần thoại Hy Lạp mà thôi, chứ đối với cái chủ trương "thà xuôi mà không đúng, không tha đúng mà không xuôi" của Triệu tiên sinh không có tổn hại mảy may nào cả".

Những văn dịch ở Trung Quốc gần nay, về văn nghệ, tôi thấy đều theo lối trực dịch của Lỗ Tấn cả. Đem đối chiếu một bổn dịch tiểu thuyết của Gorki bằng tiếng Trung Quốc với tiếng Pháp, in hệt như nhau từng chữ, từng câu, chỉ có trực dịch thì mới được như vậy, thì ra chẳng những Trung Quốc mà người Pháp cũng trực dịch.

Hai điều trên đó chỉ là đấu tranh về hình thức văn học; dưới đây mới là đấu tranh về nội dung.

Sau khi Tả Dực tác gia liên minh thành lập, đề xướng văn học vô sản ở năm 1930, các thứ văn học phản động ở Trung Quốc mọc ra như nấm, tàn lớp này, lên lớp khác, đều bị Lỗ Tấn quét dọn sạch cả. Điều ấy có thể kể là một công trạng rất lớn của Lỗ Tấn.

Trước tiên, nhân phê bình mấy bản dịch lý luận văn nghệ vô sản của Lỗ Tấn, giáo thụ đại học Lương Thực Thu đưa ra cái thuyết văn học không có giai cấp tánh. Lương Thực Thu vẫn nhìn nhận rằng trong xã hội có giai cấp tư bản và giai cấp vô sản, nhưng lại quả quyết rằng văn học thì chỉ có một, đem sự phân chia giai cấp buộc cho văn học là sai lầm. Bởi vì một nhà tư bản với một người lao động tuy có chỗ khác nhau nhưng có chỗ giống nhau: Hai đằng cùng có một "tánh người" là như yêu, thương, mừng, giận, ghét, mà văn học là để biểu hiện cái "tánh người" ấy.

Lỗ Tấn bác cái thuyết ấy, đại khái nói rằng văn học muốn biểu hiện "tánh người" thì phải thông qua "người", nếu không thông qua "người" thì không sao biểu hiện "tánh" được. Đã thông qua người mà người còn ở trong xã hội có giai cấp, thì tất nhiên không vứt bỏ đi đâu được cái giai cấp tánh mà người thuộc về. Đó là cái lẽ tất nhiên như thế, không cần phải đem giai cấp tánh "buộc" cho văn học. Cố nhiên là ai cũng có yêu, thương, mừng, giận, ghét, nhưng những cái đó của mỗi giai cấp khác nhau: Lão Tiêu Đại không yêu cô Lâm tiểu thư[3], người ăn mày không có cái buồn rầu của nhà buôn to vỡ nợ, ông triệu phú nước Mỹ không thấy cái khổ của mụ già vạch tìm mẩu bánh vụn trong đống rác ở đường phố Bắc Kinh, anh cố nông không có hứng thú thưởng hoa thủy tiên ngày tết... Cho nên, để được biểu hiện cái tánh người của giai cấp vô sản, giai cấp vô sản phải có văn học vô sản của họ.

Cái thuyết của Lương Thực Thu còn có nhiều điểm nữa, bài bác luận của Lỗ Tấn khá dài, cứ đánh đổ từng điểm một, trên đây chỉ lược thuật một điểm trọng yếu nhất mà thôi.

Trong khi đàn áp văn học vô sản, cấm sách báo, giết hại các nhà văn tả dực, bọn thống trị tập hợp với một bọn bồi bút, rồi có kẻ đề xướng thứ văn học dân tộc. ý nghĩa bốn chữ ấy theo Lỗ Tấn giải thích là: Họ nghiên cứu màu da mặt của các giống người, rồi quyết định rằng hễ giống người cùng chung một màu da mặt thì phải đi rập với nhau một đường hành vi, cho nên giai cấp vô sản da vàng không nên đấu tranh với giai cấp hữu sản da vàng mà phải đấu tranh với giai cấp vô sản da trắng. Gọi hằng "dân tộc" là vậy đó, văn học của họ nhằm theo con đường ấy mà phát triển.

Có một người trong phái văn học dân tộc ký tên là Thanh Cồ, viết một bài trên báo, đầu đề là "Một trang chiến sử chinh Nga của nước ta", đại khái nói rằng: "Thành Cát Tư Hàn đời Nguyên, dấy từ Mông Cổ, vào làm chủ Trung Quốc. Đến triều vua Thái Tôn năm thứ bảy, lại khiến Tốc Bất Đài theo các Vương Bạt Đô, hoàng tử Quý Do đánh Tây vực. Năm thứ mười bèn cử đại binh đánh Nga, hãm thành Mạc Tư Khoa. Con trưởng vua Thái Tổ là Truật Xích lên ngôi khắc hàn[4] tại đó. Thật là một việc mà lịch sử từ xưa chưa hề có. Vả, các vị anh chủ sáng nghiệp đời xưa, dù có mở rộng bờ cõi đến đâu đi nữa cũng chưa hề có ai xâm nhập đến đất châu Âu, rắp hỗn nhất cả châu á châu Âu như vậy. Vậy mà chẳng cho là một trang chiến sử vẻ vang của nước ta được ư?...".

Nói gọn, cái điều dại dột của bài luận ấy là ở hai chữ "nước ta".

Một dịp cho Lỗ Tấn đập nát cái mặt nạ văn học dân tộc. Ông viết rằng: "Chỉ có ông Thanh Cồ là người Mông Cổ thì mới nói như vậy được. Nếu không thì, Thành Cát Tư Hàn vào làm chủ Trung Quốc, Truật Xích lên ngôi khắc hàn tại Mạc Tư Khoa, bấy giờ cái cảnh ngộ hai nước Trung Nga chúng ta giống nhau, đều là bị người Mông Cổ chinh phục. Tại sao người Trung Quốc đời nay lại nhận bướng người Mông Cổ là ông cha mình, vênh mặt lên kiêu ngạo với giống người Slavơ là kẻ đồng chịu áp bách với mình?".

Lúc bấy giờ, năm 1931, Nhật Bản bắt đầu đánh Đông Bắc, toan dùng Trung Quốc làm bàn đạp để đánh Liên Xô, mà Tưởng Giới Thạch ra lệnh "bất đề kháng", bị nghi là đồng mưu với Nhật, toan theo Nhật để cùng tiêu diệt Cộng sản, cho nên Lỗ Tấn viết nốt: "Hỡi ôi! Nga đỏ chưa đi đánh mà cái mặt ngốc đã lòi ra, thật không phải là một trang chiến sử vẻ vang của nước ta vậy". "Cái mặt ngốc" đó chẳng những chỉ người viết bài là Thanh Cồ mà cũng chỉ cả phe văn học dân tộc hay là chỉ đến cả Tưởng Giới Thạch nữa.

Thế rồi cái lớp tuồng văn học dân tộc hạ màn.

Nhưng mà chưa hết đâu. Tiếp đó còn xuất hiện cái gọi bằng "loại người thứ ba", đề xướng thứ văn học của loại người thứ ba. Loại thứ ba nghĩa là: họ nhận rằng giới văn học hiện có hai loại người, một là loại người tả dực, một là loại người hữu dực, nhưng họ không phải tả mà cũng không phải hữu, cho nên họ là người thuộc về loại thứ ba, vượt ra bên ngoài tả hay hữu. Thứ văn học này, cũng theo Lỗ Tấn giải thích: "Họ cho rằng văn học là vĩnh cửu, hiện tượng chính trị là tạm thời, cho nên văn học không thể dính dấp với chính trị, hễ dính dấp thì mất cái vĩnh cửu tánh của nó, Trung Quốc từ đó sẽ không có tác phẩm vĩ đại".

Nhưng mà đã lâu, "loại người thứ ba vẫn không có tác phẩm ra hồn, chứ đừng nói vĩ đại. Họ đổ tại nhà phê bình tả dực không hiểu văn học, phê bình cộc cằn mà không đúng, đụng ai cũng mắng là "chó săn của nhà tư bản", nên họ phải "gác bút".

Lỗ Tấn nói: "Thực ra, cái nguyên nhân "loại người thứ ba" gác bút, không phải tại tả dực phê bình cộc cằn, mà tại họ không làm nên "loại người thứ ba" được. Hễ không làm nên "loại người thứ ba" được thì cũng không có được ngọn bút thứ ba, chứ chưa nói đến gác với chẳng gác.

"Sống ở trong xã hội có giai cấp mà muốn làm nhà văn siêu giai cấp, sống ở thời đại chiến đấu mà muốn lìa khỏi chiến đấu, sống ở hiện tại mà muốn viết tác phẩm dành cho tương lai, người như thế là một cái huyễn ảo do tâm tạo, chứ không có thể có trong thế giới hiện thực này được".

Cuối cùng Lỗ Tấn tỏ ý rằng tuy họ xưng mình là "loại người thứ ba" nhưng họ không thể vượt khỏi giai cấp, không thể lìa khỏi chiến đấu, không thể nhảy ra khỏi hiện tại, thì tác phẩm của họ cũng phải thế. Nếu họ không tự dối mình, không treo lên cái chiêu bài giả mạo thì họ hãy ráng sức mà sáng tác đi".

Đối với thứ văn học này, hình như Lỗ Tấn không công kích kịch liệt lắm như đối với thứ văn học dân tộc, hình như muốn khuyên họ quay đầu lại với hiện thực, nhưng rốt lại, "loại người thứ ba" vẫn tiêu diệt, văn học của họ cũng tiêu diệt theo.

Còn một thứ văn học nữa gọi là văn học nhàn thích, cũng xuất hiện cùng một thời đó. Người chủ trương thứ văn học này là Lâm Ngữ Đường, bạn với Lỗ Tấn, nhưng nhiều lần chỉ trích cái chủ trương ấy, Lỗ Tấn không hề nể mếch lòng bạn.

Lâm Ngữ Đường ra hai cái tạp chí vào khoảng 1933 - 1936, trước là Luận ngữ, sau là Nhân gian thế, đề xướng lối văn "u-mua"[5] và lối văn "tiểu phẩm" của người Minh - Thanh, lấy "nhàn thích" làm tôn chỉ - nhà thích có ý là di dưỡng tánh tình, tánh tình của tác giả cũng của độc giả nữa.

Lỗ Tấn nói: "Những cái gì của ông Ngữ Đường đề xướng ra, tôi thường hay phản đối... Bây giờ đây là lối văn u-mua chỉ có thứ dân ưa mở hội nghị bàn tròn mới chơi được, chứ ở Trung Quốc không có, cả đến cái chữ để dịch nó cũng không có". Theo Lỗ Tấn, người Trung Quốc không sở trường lối văn u-mua, nếu miễn cưỡng bắt chước, rốt lại chỉ biến thành "bông phèng". Ông có dẫn lời Ngữ Đường: "Làm người phải đứng đắn, không nên đi vào con đường bất chính... Nhưng làm văn không giống làm người, phải u-mua, phải đùa đùa cười cười, phải khoái hoạt...". Đùa đùa cười cười là bông phèng chứ gì? Mà bông phèng là làm hề, chứ đâu có phải làm văn!

Huống chi, trong khi Lâm Ngữ Đường đề xướng u-mua đó, Nhật Bản đánh chiếm Đông Tam tỉnh, Du Quan thất thủ, Nhiệt Hà nguy ngập, lại thêm Hoàng Hà vỡ đê, nhân dân nheo nhóc, nỡ lòng nào ngồi yên mà đùa đùa cười cười? Lỗ Tấn kéo Ngữ Đường trở về với hiện thực: "Hiện lúc này là lúc không có thể u-mua được. Chính tạp chí Luận ngữ có tiền mà cũng không u-mua được, còn mong gì những người ở mấy miền đạn trái phá đầy trời, nước lụt tràn đất mà lại u-mua được?".

Trong một bài tạp văn viết tháng tư năm 1934, Lỗ Tấn có nói: "Năm ngoái là năm u-mua gặp vận đỏ... không ngờ năm nay nó đảo vận, hết thảy tội ác đều đổ về nó...". Đó là cái tin cáo phó cho lối văn u-mua.

Nói đến lối văn tiểu phẩm. Lâm Ngữ Đường cho rằng văn tiểu phẩm có cái đặc sắc là "tả tính linh". Theo ý Lỗ Tấn, có một số người tả được tính linh thật, nhưng cái đó không có gì là đặc sắc. Bởi hoàn cảnh đương thời và sinh hoạt của tác giả, họ chỉ có ý tứ như thế thì họ viết ra như thế. Nhưng không phải hết thảy văn tiểu phẩm đều "nhàn thích", có những tác giả khi gặp nguy nan cũng pha giọng cảm thương phản khích. Nhưng những sách về tiểu phẩm ấy trải qua nhiều lần "Văn tự ngục"[6] đời Mãn Thanh, đều đã bị đốt, bị hủy bản, cho nên những văn tiểu phẩm còn lại đến ngày nay mà chúng ta thấy chỉ là thứ tính linh siêu hiện thực, "đi nửa lừng trời". Những tác gia tiểu phẩm ấy, Lỗ Tấn nói, lúc còn có nước là cao nhân, lúc nước mất rồi cũng không mất chi làm dật sĩ. "Sĩ" thì trổi hơn thường dân, "dật" thì trốn khỏi trách nhiệm: Hiện giờ người ta đặc biệt đề cao tiểu phẩm Minh - Thanh, thực ra là có lý lắm, không lấy gì làm lạ.

Câu nói của Lỗ Tấn vừa mới thuật lại đó nghe như lơ lửng mà sâu sắc lắm. Sống ở một nước đang nguy khốn như thế, một thời đại cạnh tranh kịch liệt như thế, mà chỉ "tả tính linh", chuộng "nhàn thích", đặt mình ra khỏi cuộc đời, chẳng phải trốn trách nhiệm là gì? Ba chữ "có lý lắm", ý muốn nói Lâm Ngữ Đường vì trốn trách nhiệm nên đề xướng tiểu phẩm Minh - Thanh.

Tiếp đó, Lỗ Tấn nói tiên tri một câu: "Nhưng cái mộng làm cao nhân dật sĩ không được lâu dài đâu!". Quả nhiên trong năm 1936 thì "Nhân gian thế" đình bản, Lâm Ngữ Đường đi sang Mỹ làm giảng sư ở một trường đại học.

Ngoài sự đấu tranh về văn học, Lỗ Tấn còn đấu tranh về nghệ thuật nữa. Trong những tập tạp văn của ông có nhiều bài nói về hội họa, về khắc gỗ. Nhất là về khắc gỗ, ông chú ý đặc biệt, săn sóc đặc biệt. Trong Lỗ Tấn thư giản có một số đông nghệ sĩ khắc gỗ thư từ đi lại với ông. Có thể nói, Lỗ Tấn là người phục hưng cái bộ môn nghệ thuật này ở Trung Quốc về cận đại. Chỉ vì tôi dốt nghệ thuật, cho nên trong bài này tôi không dám bình luận đến.

5. Đấu tranh về chính trị

Lỗ Tấn không làm chính trị, không phải là một chính khách, cũng không phải là đảng viên Đảng cộng sản, nhưng là một người có đồng tình với Đảng cộng sản về khuynh hướng chính trị. Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1921, nhưng Lỗ Tấn vấn đề biểu lộ cái khuynh hướng ấy, lấy đích thân mình ra chống với thế lực đen tối, chỉ mới từ năm 1925, nghĩa là sau "sự kiện Ngũ nẩm" do Đảng cộng sản sách động một năm.

Ông đấu tranh chính trị suốt từ khi ở dưới quyền thống trị quân phiệt Đoàn Kỳ Thụy cho đến khi ở dưới quyền thống trị phát xít Tưởng Giới Thạch. Mà đấu tranh thực sự, lúc thì bằng hoạt động, lúc thì bằng văn chương.

Năm 1925, Chương Sĩ Chiêu làm tổng trưởng Bộ Giáo dục, bắt học sinh đọc kinh và viết văn ngôn, lại nhiệm mạng Dương ấm Du nữ sĩ là người có tư tưởng phong kiến ngoan cố làm hiệu trưởng trường Nữ sư phạm đại học, áp chế học sinh có tư tưởng tiến bộ, nhân đó học sinh nổi lên phản đối. Dương ấm Du bèn khai trừ sáu học sinh, và kế đó Chương Sĩ Chiêu ra lệnh đóng cửa nhà trường. Lỗ Tấn đang làm giảng sư tại trường ấy, bèn cùng mấy giáo viên khác tổ chức "Hội duy trì hiệu vụ", thuê nhà khác tiếp tục mở lớp, học sinh cứ đi học. Vì cớ ấy, Chương Sĩ Chiêu cách chức Lỗ Tấn ở Bộ Giáo dục, Lỗ Tấn liền phát đơn kiện Chương Sĩ Chiêu, sau rồi Chương Sĩ Chiêu bị miễn chức, Lỗ Tấn trở lại làm việc ở Bộ Giáo dục.

Ngày 18 tháng 3 năm 1926, vì muốn viện trợ cho một việc ngoại giao, công nhân và học sinh Bắc Kinh tổ chức một cuộc biểu tình thỉnh nguyện trước phủ chấp chính Đoàn Kỳ Thụy. Đoàn Kỳ Thụy cho lính bắn chết 47 người, bị thương gần hai trăm người. Lại hạ lệnh nả bắt năm chục người vừa giáo viên, vừa nhà văn nhà báo, mà Lỗ Tấn là một trong số ấy. Lỗ Tấn phải lánh nạn trong bệnh viện ngoại quốc, nhưng đồng thời ông viết báo công kích kịch liệt. Đây trích lấy một vài đoạn:

"Chính phủ Đoàn Kỳ Thụy dùng gươm súng giết học sinh tay không... cái hành vi bạo ngược tàn nhẫn ấy trong loài cầm thú chưa từng thấy, mà trong loài người cũng ít có.

"Giả phỏng những người thanh niên như thế mà giết hết đi được, phải biết rằng kẻ giết họ cũng quyết không phải là kẻ thắng lợi đâu.

"Nếu Trung Quốc còn chưa diệt vong hẳn thì cái việc tương lai xảy đến còn sẽ ra ngoài ý liệu của kẻ tàn sát... Đó không phải là kết thúc của một việc mà là mở đầu của một việc.

"Nợ máu thì phải trả bằng máu. Hễ mắc nợ càng lâu thì phải trả lãi càng nhiều!"

Sau khi Tưởng Giới Thạch phản Cách mạng, thời kỳ Lỗ Tấn ở Thượng Hải, ông đấu tranh càng hăng hơn trước.

Năm 1930, ông gia nhập hội "Tự do đại đồng minh"; năm 1933, lại gia nhập hội "Dân quyền bảo chướng đồng minh"; hai hội này đều là đoàn thể bảo vệ quyền tự do dân chủ chống lại chế độ phát xít, vì vậy bị Tưởng Giới Thạch áp bách gắt lắm, có mấy lần ông phải tạm thời đi lánh nạn.

Cũng trong năm 1930, Lỗ Tấn cùng một số nhà văn tiến bộ tổ chức một đoàn thể văn học gọi là "Tả dực tác gia liên minh", chính thức tuyên truyền văn học vô sản, cho nên bị đàn áp càng tàn nhẫn, có một số tác gia tả dực bị giết, tuy vậy, ông vẫn chủ trì cái đoàn thể ấy cho đến trước khi chết.

Có thể nói hết thảy những việc chi Tưởng Giới Thạch làm ra, bất kỳ lớn nhỏ, hễ thấy có hại cho dân cho nước là Lỗ Tấn đều công kích hết. Như những việc "tiễu cọng", liên kết với Hitler, bị Nhật Bản tấn công mà không đề kháng, cho đến những việc như tôn Khổng, sát hại học sinh, mở cuộc xổ số để thủ lợi, dời đồ cổ ở Bắc Bình đi mà bắt học sinh phải cứ ở lại đó trong khi quân Nhật sắp đánh tới... Lỗ Tấn đều không bỏ công kích một dịp nào.

Lúc bấy giờ báo chí bị kiểm duyệt ngặt lắm, nếu viết trắng trợn như đã viết công kích Đoàn Kỳ Thụy thì không được đăng, nên ông viết một cách rất khéo léo, hoặc quanh co, hoặc ven cạnh, cuối cùng cũng đạt đến mục đích công kích mà lại sắc nhọn sâu cay nữa. Như năm 1923, Nhật Bản đánh Thượng hải, Thập cửu lộ quân kháng chiến, Tưởng Giới Thạch ra lệnh rút lui, Lỗ Tấn viết một bài, đề là "Lễ", gần cuối bài có một đoạn rằng: "Trung Quốc vốn lấy lễ nhượng trị nước. Đã có lễ thì phải có nhượng. Mà càng nhượng thì lễ lại càng phiền phức thêm. Tóm lại, về điểm này, thôi, không nói". Hay ở chỗ không nói mà lại tuyên bố rằng mình không nói, để cho người đọc phải suy nghĩ mà thấy ra cái chỗ tại sao mình không nói, thế cũng tức như mình đã nói vậy. Lại, trong một lần "tiễu cọng", Tưởng Giới Thạch cho máy bay thả bom đốt cháy nhà dân ở miền chiến khu Hồng quân, ông viết một bài, đề là "Lửa", đại ý nói: Toại nhân phát minh ra lửa nấu ăn mà người ta không thờ, còn Hỏa thần chỉ có chuyên môn đốt nhà mà lại được người ta thờ. Như thế, người đọc sẽ hiểu rằng phải hạ Hỏa thần xuống, đừng thờ nữa, tức là hạ Tưởng Giới Thạch xuống, đừng để cầm quyền nữa.

Có một điều mà các nhà văn nhà báo Việt nam chúng ta phải lấy làm lạ, là những bài nào bị kiểm duyệt bỏ trọn thì khi in thành sách ông cũng cứ in bài ấy vào, những bài nào bị bỏ một vài câu thì cũng in nguyên văn những câu ấy vào. Như thế thì thế nào sách in ra cũng bị cấm, mà bị cấm thật, nhưng ông cứ in. Những việc như thế, chỉ có là người dũng cảm lắm mới dám làm mà thôi.

Những việc nào không có thể nói trên báo Trung Quốc được thì Lỗ Tấn viết bài đăng ở báo ngoại quốc. Trong những tập tạp văn, thấy có những bài viết đăng ở các báo tiến bộ Nhật Bản hoặc Mỹ Quốc, đều là bài công kích Tưởng Giới Thạch.

Không những đấu tranh chính trị với bổn quốc mà còn với các đế quốc nữa. Lỗ Tấn năm 1927 từng đi ngang qua Hương cảng mấy lần, liền viết bài công kích chính sách nước Anh ở Hương Cảng. Còn Nhật Bản, suốt những năm xâm lược Trung Quốc, bị ông đả kích luôn. Nhất là đối với Hitler, Lỗ Tấn căm thù đến cực độ. Khi một cơ quan Quốc dân đảng dịch cuốn Mon combat, ông đã viết bài mai mỉa; ngày 3-5-1933, chính mình ông còn đi đến lãnh sự quán nước Đức ở Thượng hải đưa cái "kháng nghị thư" chống những việc làm bạo ngược của Hitler. Đó còn chưa kể những bài ông công kích bọn gọi là học giả danh lưu mà vào hùa với Tưởng Giới Thạch làm hại tổ quốc, làm hại nhân dân như Hồ Thích.

6. Những điều chúng ta nên học tập ở Lỗ Tấn

Những điều tôi nói từ nãy đến giờ về tư tưởng hành vi của Lỗ Tấn, tưởng đều là điều chúng ta nên học tập. Huống chi còn có những điều về sinh hoạt hằng ngày của ông đáng học tập lắm mà tôi chưa nói tới. Dầu vậy, cuộc nói chuyện đã dài rồi, tôi xin cô lại ba cái trọng điểm cho gọn sự học tập của chúng ta, mỗi điểm tôi sẽ cử ra một sự tượng cụ thể.

Một là nghị lực và dũng khí.

Có người nói Lỗ Tấn là một chiến sĩ bền dẻo - bền dẻo không phải mềm dẻo - đúng lắm. Như có lần bút chiến với bọn Từ Chí Ma, họ bảo "thôi", Lỗ Tấn nói: "Tôi chưa có thể thôi được", rồi cứ tiếp tục phản công mãi. Bởi thế, suốt năm 1928-1929, Lỗ Tấn ở Thượng hải, bị ba cái văn đoàn công kích: Sáng tạo xã, Thái dương xã là hai văn đoàn tả khuynh, Tân nguyệt xã là văn đoàn phản động, mà Lỗ Tấn cứ cầm cự rồi phản công cho đến thắng lợi, nghĩa là thu hút được một số nhà văn trong hai văn đoàn tả khuynh ấy gia nhập "Tả dực tác gia liên minh" thành lập năm 1930.

Lỗ Tấn từng viết bài cho mục Tự do đàm của Thân báo, bị chính phủ Tưởng Giới Thạch ngăm dọa, Thân báo sợ, xin những người viết mục ấy đừng viết những bài công kích chính phủ nữa, vì không thể đăng được. Lỗ Tấn bèn viết một lối khác. Liền có kẻ hỏi trên báo khác rằng sao Lỗ Tấn không nói tự do nữa đi. Ông trả lời, đại ý nói đó là lời lừa phỉnh, ai dại chi mà mắc? Lại còn, trong những sợ nguy hiểm đến tính mạng, ông đều đi lánh nạn ở mấy bệnh viện ngoại quốc hoặc mấy tô giới. Xem đó, thấy Lỗ Tấn như là người giữ gìn sinh mạng của mình cẩn thận lắm, không dám hy sinh. Nhưng không phải. Lúc nào thấy cái chết của mình là có ích thì ông coi chết như không.

Năm 1933, Tưởng Giới Thạch thấy "Dân quyền bảo chướng đồng minh" có ảnh hưởng lớn đến dân chúng, bèn sai ám sát một người trọng yếu trong đồng minh là Dương Hạnh Phật. Lỗ Tấn tức giận đến cực độ. Ngày 20 tháng 6 là ngày cử hành đám tang Dương Hạnh Phật, nhiều người sợ nếu Lỗ Tấn đi đưa đám thì có nguy hiểm, khuyên ông đừng đi. Nhưng Lỗ Tấn cứ đi. Bình thường, mỗi lần ông đi đâu là khóa cửa, đem chìa khóa theo. Nhưng lần này bỏ chìa khóa lại nhà, vì quyết chắc rằng mình sẽ không trở về nữa. Nhưng hôm ấy không có xảy ra việc gì cả. Có lẽ chúng sợ giết Lỗ Tấn thì hóa ra to chuyện, nên không dám giết.

Hai là nhận xét tinh vi:

Trong tiểu thuyết và tạp văn của liên quan có những nhận xét độc đáo: một việc rất tầm thường ít ai để ý đến mà ông cho là quan hệ, luôn luôn để ý đến và luôn luôn nói đến.

Như bên cạnh người khóc có người cười, là một cái hiện tượng thấy hằng ngày, ở xã hội nào chẳng có. Nhưng người ta thấy rồi bỏ qua, vì cho là việc rất nhỏ và rất thường. Trái lại, ở chỗ rất nhỏ thường ấy, Lỗ Tấn thấy là một bệnh căn lớn của xã hội, nên ông cứ phải chỉ vạch ra cho người ta sửa chữa. Theo Lỗ Tấn, mọi người trong một xã hội phải đoàn kết nhau mới đấu tranh với thế lực ác được, mới sống được, mà muốn đoàn kết nhau thì trước phải thông cảm nhau, nếu không thông cảm thì cái xã hội ấy đã thành ra tê điếng, còn mong gì đoàn kết?

Lần thứ nhất của sự nhận xét nầy ở khi ông xem chiếu bóng trong lớp học bên Nhật Bản mà trên kia đã nói. Cái sự một đoàn người đứng yên giám thưởng một người đồng hương bị chém làm cho ông bỏ học thuốc là sự lớn và phi thường theo nhận xét của Lỗ Tấn.

Rồi trong truyện ngắn Minh thiên, bọn Lão Củng đỏ mũi, A Ngũ da chàm uống rượu cười đùa, hát ghẹo mụ góa Đơn Từ ở cách vách khi thằng bé của mụ ốm gần chết; trong A Q. chính truyện, một lũ người đi xem A Q. bị bắn mà lấy làm thất vọng vì nói rằng bắn không bằng chém coi thú hơn; trong Chúc phước người ta chế nhạo mụ Tường Lâm khi mụ kể chuyện con trai mụ bị chó sói ăn thịt. Những tình tiết ấy làm cho Lỗ Tấn đau xót, có lẽ ông đã rơi lệ trên giấy trong khi viết.

Cái ý ấy, có khi Lỗ Tấn suy rộng ra đến chính phủ đối với nhân dân. Ngày 27-8-1934, các cơ quan chính quyền Quốc dân đảng ở Thượng hải kỷ niệm ngày sinh Khổng Tử, diễn tấu nhạc Thiều; cùng ngày ấy, có tin ở Dư dao, vì trời hạn khan nước, hai người dân giành nước uống với nhau mà đánh nhau chết. Lỗ Tấn viết một bài đề là "Không biết mùi thịt[7] và không biết mùi nước", trong có câu rằng: "Nghe nhạc Thiều, là một thế giới; khát nước, là một thế giới khác. Ăn thịt mà chẳng biết mùi, là một thế giới; khát nước mà giành nước đánh chết nhau, là một thế giới khác." Cái sự không thông cảm này còn đáng trách hơn nữa, vì nó không phải chỉ là trong đám bình dân đối với nhau. Lại, ở lần Đoàn Kỳ Thụy tàn sát học sinh, ông viết rằng: "Người chết nếu chẳng được sống trong lòng người sống thì mới là chết thật." Đó cũng cái ý ấy mà hướng về chiều khác hy vọng cho mọi người có thông cảm, đến cái mức người sống đoàn kết với người chết là một sức mạnh để đánh đổ thế lực ác.

Ba là tư tưởng triệt để.

Lỗ Tấn phản đối trung dung, phản đối cải lương, phản đối thỏa hiệp, tư tưởng bao giờ cũng triệt để, mà nổi bật lên nhất là không khoan thứ kẻ thù địch và không khoan thứ cho đến cùng.

Trước ngày chết hơn một tháng, ông còn viết một bài đề là Chết. Trong đó nói mình có nghĩ đến sự viết di chúc, điều thứ 7 là: những người chủ trương khoan dung không báo thù kẻ làm hỏng mắt và răng của kẻ khác thì đừng gần họ. Lại có một đoạn, nói: "Người Âu châu khi gần chết có làm một thứ nghi thức, xin người khác khoan thứ cho mình, mình cũng khoan thứ cho người khác... Tôi thì thù oán đông lắm... Tôi không khoan thứ cho một ai hết, để mặc họ cứ oán hận."

Nhà nho chủ trương "bất vi dĩ thậm", nghĩa là không làm thái quá đối với kẻ ác, nhưng Lỗ Tấn thì cứ chủ trương "vi dĩ thậm". Ông từng đưa ra cái thuyết "đả lạc thủy cẩu", nghĩa là đánh con chó đã rơi xuống nước rồi, còn phải theo mà đánh nữa, để nó không lội được lên bờ mà quay cắn mình.

Cái điểm này quan trọng lắm, liên hệ với điểm trên, cảm thông và đoàn kết, thấy chỗ nhận định về bạn và thù của Lỗ Tấn phân minh lắm: với bạn thì cảm thông đoàn kết, với thù thì không khoan thứ.

Chúng ta là những người đang ở trong hàng ngũ cách mạng, tôi thấy ba điểm ấy rất cần cho chúng ta phải học tập.

7. Kết luận

Để kết luận cho bài nói chuyện này, tôi xin lấy tình trạng hiện thời của nước ta đem liên hệ với tư tưởng Lỗ Tấn, tức là cái tư tưởng triệt để đối với kẻ thù mà tôi mới vừa nói.

Hiện nay, kẻ thù trước mắt của chúng ta là ai? Là đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm. Chúng ta đang muốn hòa bình thống nhất mà họ lại muốn gây chiến, làm trở ngại cuộc hòa bình thống nhất của chúng ta. Vậy thì chúng ta chỉ có đoàn kết với những người nào muốn hòa bình thống nhất để mà chống lại họ thì mới đạt tới mục đích của chúng ta được. Mà muốn làm như vậy, trước hết chúng ta phải có lòng căm thù đối với kẻ thù của chúng ta.

Hiện nay có người nói: Sau hiệp định Giơnevơ, hòa bình đã trở lại rồi, Đảng và Chính phủ đã khoan hồng đối với bên địch rồi, thì mỗi người trong chúng ta không nên căm thù nữa, có như thế thì mới giữ vững hòa bình được.

Tôi cho cái ý nghĩ ấy là mất lập trường. Đành rằng hòa bình đã trở lại, nhưng Đảng và Chính phủ chủ trương khoan hồng là khoan hồng với người nào tán thành hòa bình thống nhất kia, còn nhân dân chúng ta vẫn phải đấu tranh để thực hiện thống nhất dù chỉ đấu tranh bằng hòa bình. Đấu tranh bằng cách nào cũng vậy. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh cái điểm thứ ba về tư tưởng của Lỗ Tấn: Không khoan thứ kẻ địch và không khoan thứ cho đến cùng.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Mo-rô tiếng Ấn Độ, nghĩa là ma quỷ, tức tiếng Tây là Satan. Dòng thơ Mo-rô hồi đầu người ta chỉ dùng để gọi thơ của Bayơn; về sau hết thảy nhà thơ nào lập ý ở sự phản kháng, giục người ta hành động, làm cho kẻ cầm quyền ghét và sợ, đều cho thuộc vào dòng ấy.
  2. Chữ nầy với chữ Voie laclée ở trên nguyên bằng tiếng Anh, đây tôi đổi ra tiếng Pháp.
  3. Đây lấy điển trong Hồng lâu mộng: Tiêu Đại là người đầy tớ già trong Giả phủ, còn Lâm tiểu thư tức Lâm Đại Ngọc, cô con gái đẹp và hay chữ, là cháu ngoại Giả phủ.
  4. Khắc hàn là hiệu vua Mông Cổ, cũng như hoàng đế, tức trong tiếng Tây là Khan. Ở chữ hán, khi nào nó đi với tên người thì nói hàn, như Thành Cát Tư Hàn, khi nào nó đi một mình thì nói Khắc hàn.
  5. U-mua, dịch âm tiếng Anh, tức tiếng Pháp là humour. Chữ này có nghĩa như là "trào phúng" nhưng không đúng hẳn. Cho nên Trung Quốc cũng chỉ dịch âm, không có chữ để dịch nghĩa cho đúng được.
  6. Văn tự ngục là những vụ án lớn ở thời phong kiến, vì thơ văn sách vở nhà vua cho là phản động mà bị giết nhiều người, như vụ án Nguyễn Thuyên, con trai Nguyễn Văn Thành ở triều Gia Long.
  7. Sách Luận ngữ: Khổng Tử khi ở nước Tề, nghe nhạc Thiều, ba tháng chẳng biết mùi thịt.