Cái gia đình có hạnh phúc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

"... Viết hay không viết thảy đều bởi tự ý mình, thứ tác phẩm ấy giống như ánh sáng mặt trời, từ trong nguồn sáng vô ngần trào ra, không giống như lửa đá, dùng sắt với đá đánh ra, thế mới là nghệ thuật thật. Và tác giả ấy, cũng mới là nhà nghệ thuật thật. - Mà ta đây,... cái đó có kể gì?..." Hắn ta nghĩ đến đó, thình lình từ trên giường nhảy xuống. Từ trước hắn vỗn đã nghĩ rồi, phải vét được một số tiền nhuận bút để mà nuôi sống; chỗ gửi bài, định sẵn là nhà báo Hạnh phúc, vì ở đó tiền nhận bút hình như hậu hĩ hơn nơi khác. Có đều tác phẩm theo khuôn khổ, không thì sợ e không thu nhận. Khuôn khổ, ừ thì khuôn khổ,... cái vấn đề lớn trong óc thanh niên hiện nay là gì?... Đại khái cũng có nhiều, hoặc như luyến ái, hôn nhân, gia đình các thứ... Phải đấy, giữa bọn họ quả có nhiều người buồn nản, đang thảo luận những vấn đề ấy. Vậy thì, viết về gia đình đi. Nhưng mà viết thế nào?... không thì sợ e không thu nhận, cố nhiên không nói những câu chuyện trái mùa, nhưng mà... Sau khi nhảy xuống khỏi giường nằm, hắn đi bốn năm bước thì đến trước bàn viết, ngồi xuống, rút ra một tờ giấy kẻ ô màu lục[1], không chần chờ chút nào, song lại như liều lĩnh viết phức cái đầu đề choán một hàng: Cái gia đình có hạnh phúc.

Ngọn bút của hắn tức thì ngừng lại. Hắn nước đầu lên, hai mắt nhìn trần nhà, đang chọn lựa nơi nào để mà đặt "cái gia đình có hạnh phúc" ấy. Hắn nghĩ: "Bắc Kinh ư? Không được, cái vẻ chết đừ đừ, cả đến không khí cũng chết. Giá như xây chung quanh gia đình ấy một bức tường cao, có thể nào ngăn cách được không khí à? Gỏn lọn là không được! Giang Tô, Chiết Giang, ngày nào cũng có cơ đánh nhau, Phúc Kiến càng khỏi phải nói. Tứ Xuyên, Quảng Đông? Đều đang đánh nhau thực sự. Hay là mấy tỉnh như Sơn Đông, Hà Nam? ối, có mà bị bắt cóc đấy, rủi bị bắt mất một mống thì lại hóa ra cái gia đình bất hạnh mất. ở về tô giới Thượng Hải, Thiên Tân thì thuê nhà đắt... cũng cầm bằng ở ngoại quốc; ai lại thế? Không biết Vân Nam, Quý Châu thì thế nào, song giao thông cũng quá không tiện... "Hắn nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ không ra nơi nào tốt, bèn phải giả định là nơi A. Nhưng lại nghĩ, "Hiện có nhiều người phản đối dùng chữ cái la tinh thế cho tên người tên đất, nói rằng làm giảm mất hứng vị của độc giả. Ta gửi bài lần này, có lẽ cũng đừng dùng là chắc ăn hơn. Vậy thì, ở đâu được bây giờ? - Hồ Nam cũng đang đánh nhau, Đại Liên, tiền thuê nhà vẫn đắt; Sát Cáp Nhĩ, Cát Lâm, Hắc Long Giang đi thôi, - nghe nói có mã tặc[2], cũng không được!..." Hắn lại nghĩ đi nghĩ lại, cũng nghĩ không ra chỗ nào tốt, thế rồi cuối cùng dứt khoát, giả định cái nơi mà "cái gia đình có hạnh phúc" ấy ở, gọi là A.

"Tóm lại, cái gia đình có hạnh phúc ấy nhất định phải ở A, không còn bàn tán gì nữa. Trong gia đình tự nhiên là hai vợ chồng, tức là ông chủ và bà chủ, vốn tự do kết hôn. Họ có ký kết điều ước với nhau hơn bốc chục khoản, hết sức tỉ mỉ, cho nên bình đẳng nhất mực, tự do rất mực. Vả lại đều đã chịu qua giáo dục cao đẳng, ưu mĩ và cao thượng... Lưu học sinh Nhật Bản đã không thường thấy lắm[3], - vậy thì, giả định cho là lưu học sinh Âu Mỹ đi. Ông chủ luôn luôn mặc đồ tây, cái cổ cứng luôn luôn trắng nõn, bà chủ thì tóc mái trước luôn luôn uốn bờm xờm giống cái tổ chim sẻ, răng luôn luôn trắng và lộ ra, song quần áo lại mặc kiểu Trung Quốc..."

"Không được, không được, thế không được! Hai mươi lăm cân!"

Hắn nghe thấy tiếng một người đàn ông ngoài cửa sổ, bắt phải quay đầu nhìn, tấm màn cửa sổ vẫn xủ, ánh sáng mặt trời vẫn dọi, sáng đến chói mắt, làm mắt hắn đổ đốm ra; tiếp đó là tiếng những thanh củi nhỏ ném trên đất. "Việc quái gì đến mình", hắn lại quay đầu lại, nghĩ, "cái gì lại hai mươi lăm cân? - Họ là người ưu tú và cao thượng, rất ưa văn nghệ. Song le vì từ hồi nhỏ đều sinh trưởng trong hạnh phúc, cho nên không ra tiểu thuyết nước Nga... Tiểu thuyết nước Nga phần nhiều miêu tả người bậc bét, thật ra không hợp với cái gia đình dường ấy. "Hai mươi lăm cân?" Mặc kệ nó. Vậy thì, họ xem sách gì? - Thơ của Bay Ơn? Của Kê át?[4] Không được, đều không ổn. - à, có rồi, họ đều ưa xem Người chồng lý tưởng. Ta tuy chưa thấy qua sách ấy, song đã là cả đến giáo thụ đại học cũng khen nó, thì chắc họ cũng đều thích xem, mình xem, tôi xem, - họ có mỗi người một cuốn, trong gia đình ấy cộng lại có hai cuốn..." Hắn thấy trong dạ dày có hơi trống, bỏ bút xuống, hai tay chỏi lấy đầu, làm cái đầu của mình giống như cái địa cầu nghi treo giữa hai cây trụ.

"Hai người họ đang dùng bữa cơm trưa," hắn nghĩ, "trên bàn trải miếng vải trắng nõn, đầu bếp đưa thức ăn lên, thức ăn Trung Quốc. Cái gì lại hai mươi lăm cân? Mặc kệ nó. Vì sao lại phải thức ăn Trung Quốc? Người Tây nói, thức ăn Trung Quốc rất tiến bộ, rất ngon, rất vệ sinh, cho nên họ chọn thức ăn Trung Quốc. Bát bưng lên là bát thứ nhất, nhưng bát thứ nhất ấy là thức gì?..."

"Củi tạ..."

Hắt dựt mình quay đầu nhìn, bà chủ của chính gia đình hắn đứng tựa bên vai tả, hai con mắt lạnh lùng đang giắt vào mặt hắn.

"Cái gì?" Hắn cho là người đàn bà đến quấy rối sáng tác của mình, có hơi nổi giận.

"Củi tạ, dùng hết sạch cả rồi, hôm nay mua một ít. Lần trước vẫn là hai quan tư[5] mười cân, hôm nay lại đòi hai quan sáu. Tôi định trả hai quan năm, được không?"

"Được được, thì trả hai quan năm."

"Cân thế quái nào mà làm thiệt mình quá, nó nhất định tính là hai mươi bốn cân rưỡi mới nghe; tôi muốn tính cho nó hai mươi ba cân rưỡi thôi, được không?"

"Được được, thì tính hai mươi ba cân rưỡi."

"Thế thì, năm lần năm là hai mươi lăm, ba lần năm là mười lăm..."

"Ừ, ừ năm lần năm là hai mươi lăm, ba lần năm là mười lăm..." Hắn tình mồm cũng không trôi, ngừng một lát, bỗng hăm hở nắm lấy quản bút, nhè trên tờ giấy kẽ ô màu lục có viết một hàng "cái gia đình có hạnh phúc" làm phép tính, làm một lúc lâu, rồi mới ngước đầu lên nói:

"Năm quan tám!"[6]

"Thế là, tiền ở đây của tôi không đủ rồi, còn thiếu tám chín..."

Hắn mở ngăn kéo bàn viết ra, vốc một vốc tất cả xu đồng độ chừng hai ba chục, thả vào bàn tay vợ đang sè ra, nhìn vợ ra khỏi buồng, rồi mới quay đầu trở lại phía bàn viết. Hắn thấy trong đầu chương lên, kềnh kềnh càng càng, hình như bị chất đầy những thanh củi, năm lần năm là hai mươi lăm, trên màng óc còn in bao nhiêu những chữ số "Aráp ra khỏi trong đầu. Quả thế, sau khi thở ra, đáy lòng cũng nhẹ nhõm đi nhiều, thế rồi lại cứ mơ mơ màng màng nghĩ...

"Thức ăn gì? Thức ăn có quái lạ một chút cũng không sao. Sườn sào dấm, đột đột nấu với tôm, thực ra, xoàng xĩnh quá. Ta muốn nói món ăn của họ là món "long hổ hội". Nhưng mà, "long hổ hội" là cái gì? Có người nói là rắn nấu với mèo, món ăn sang của Quảng Đông, chỉ trong bữa tiệc lớn mới có. Nhưng ta thấy cái tên món ăn ấy trên thực đơn của tiệm ăn Giang Tô, thì hình như người Giang Tô không ăn mèo với rắn, e nó là ếch với lươn như có người nói. Bây giờ đến giả định ông chủ và bà chủ ấy là người ở tỉnh nào? - Mặc kệ nó. Nói tóm là không luận người tỉnh nào, ăn một bát rắn với mèo hoặc ếch với lươn là cũng không hại gì cho cái gia đình có hạnh phúc cả. Nói gọn, cái bát thứ nhất định là bát "long hổ hội", không còn bàn tán gì nữa.

"Thế rồi một bác "long hổ hội" bày ở giữa bàn, hai người họ đồng thời cầm đũa lên, chỉ vào miệng bát, cười khúc khích mình nhìn tôi, tôi nhìn mình...

"My dear, please.

"Please you eat first, my dear.

"Oh no, please you![7]

"Thế rồi họ đồng thời nhúng đũa vào, đồng thời gắp ra một miếng thịt rắn - không không, thịt rắn thì kỳ quái quá, chi bằng nói thịt lươn là hơn. Vậy thì, cái bát "long hổ hội" ấy là nấu bằng lươn với ếch. Họ đồng thời gắp ra một miếng thịt lươn, bằng cỡ nhau, năm lần năm là hai mươi lăm, ba lần năm là... mặc kệ nó, đồng thời cho vào miệng..." Hắn không dằn lòng được, chỉ toan quay đầu lại xem, vì hắn cảm thấy sau lưng rất chộn rộn, có người đi qua đi lại hai ba lần. Nhưng hắn cứ cố nhịn, cứ bừa bãi nghĩ nốt, "thế hình như có hơi tởm, đâu có thứ gia đình như thế? Ê ê, ta sao lại nghĩ xằng nghĩ xịt như vậy, cái đầu đề hay thế mà e có lẽ viết không thành bài. - Hay là không cứ phải dùng lưu học sinh, nói là ở trong nước chịu giáo dục cao đẳng cũng được. Họ đều là tốt nghiệp đại học, cao thượng, ưu mỹ, cao thượng... Người đàn ông là nhà văn học, người đàn bà cũng là nhà văn học hoặc là kẻ sùng bái nhà văn học. Hoặc là người đàn bà là nhà thơ, người đàn ông là kẻ sùng bái nhà thơ, kẻ nịnh đầm. Hay là..." Cuối cùng hắn không nhịn nổi, quay đầu lại.

Thì ở bên cạnh cái giá để sách sau lưng hắn đã xuất hiện một đống cải bắp, từng dưới ba bắp, từng giữa hai bắp, trên cùng một bắp, chồng chất thành một chữ A rất lớn đối với hắn.

"ối chà!" Hắn giật mình bài hãi, đồng thời thấy trên mặt bỗng phát nóng, trên xương sống còn có bao nhiêu kim nhè nhẹ châm. "Ha..." Hắn thở hắn ra một hơi rất dài, trước xua đuổi những kim trên xương sống, rồi vẫn cứ nghĩ, "Cái nhà của gia đình có hạnh phúc phải cho rộng. Có một căn buồng chứa đồ vặt, những thứ như cải bắp đều chất vào đó. Ông chủ có một phòng sách riêng, kề vách đặt đầy những giá để sách, cạnh đó tự nhiên không thể có đống cải bắp nào; trên giá đầy những sách Trung Quốc, sách ngoại quốc, trong đó tự nhiên có Người chồng lý tưởng - cộng là hai cuốn. Buồng ngủ riêng một căn; giường đồng, muốn chất phác một chút thì thứ giường bằng gỗ gie đóng ở công trường Nhà ngục số 1 cũng được, dưới giường rất sạch sẽ..." Tức thì hắn liếc dòm dưới giường của mình, củi tạ đã dùng hết sạch, chỉ có một sợi thừng bện bằng rơm, nằm thườn thượt như con rắn chết.

"Hai mươi ba cân rưỡi!..." Hắn biết thế nào rồi củi tạ cũng sẽ liên tiếp khuân vào dưới giường, trong đầu lại có hơi kềnh kềnh càng càng, bèn đứng phắt dậy, đi lại chỗ cửa định đóng cửa. Nhưng hai tay vừa chạm đến cánh cửa, lại nghĩ làm như thế coi xốc nổi quá, liền ngừng tay, chỉ buông cái màn cửa chứa đầy bụi bặm xuống thôi. Một mặt hắn nghĩ, đóng cửa thì ra điều mình gay gắt, mở cửa thì chịu không nổi ồn ào, chỉ buông cái màn xuống là khỏi cả hai điều đó, rất hợp với "cái đạo trung dung".

"... Cho nên cái cửa phòng sách của ông chủ là cứ phải đóng luôn luôn." Hắn đi trở lại, ngồi xuống, nghĩ. "Có việc gì muốn nói thì gõ cửa trước, có cho phép vào mới được vào, làm như thế là thật đúng. Bây giờ ví thử ông chủ ngồi trong phòng sách mình, bà chủ đến nói chuyện văn nghệ, cũng trước phải gõ cửa. - Thế thì khỏi lo, bà ấy chắc không đến nỗi khuân cải bắp vào.

"Come in, please, my dear.[8]"

"Song le khi ông chủ không có giờ rỗi để nói chuyện văn nghệ thì làm thế nào? Vậy thì, phớt bà ấy đi, để mặc bà đứng ngoài cửa gõ cạch, cạch mãi hay sao? Như thế có lẽ không được. Điều đó hoặc có chép trong sách Người chồng l?ý tưởng, - sách này e quả là một bộ tiểu thuyết hay, nếu ta có được tiền nhuận bút, cũng phải mua một bộ xem xem..."

Phạch!

Hắn thẳng lưng lên, bởi vì theo kinh nghiệm, hắn biết rằng cái tiếng "phạch" ấy là tiếng bàn tay bà chủ đánh trên đầu đứa con gái ba tuổi.

"Cái gia đình có hạnh phúc..." Hắn nghe thấy tiếng nghẹn ngào của đứa bé, nhưng vẫn cứ thẳng lưng nghĩ, "còn thì nên chậm mới có, chậm mới có là hơn. Hay là chi bằng dừng có quách, trơ trọi chỉ hai người. Hay là chi bằng ở ngay khách sạn, cái gì cũng cho khách sạn bao cả, chỉ một người trơ trọi..." Hắn nghĩ thấy tiếng nghẹn ngào rộ lên, thì cũng đứng lên, chui qua cái màn cửa, vẫn cứ nghĩ, "Mác ở trong tiếng khóc nheo nhóc của trẻ con còn có thể viết được Tư bản luận, thế mới là vĩ nhân..." Đi ra đến ngoài, mở cái líp đón gió, ngửi thấy mùi dầu hỏa. Đứa trẻ nằm vật cạnh cái líp, úp mặt xuống đất, thấy bố, bèn khóc òa lên.

"à à, được rồi, đừng khóc đừng khóc, em bé ngoan của bố." Hắn khom lưng xuống, bế đứa bé lên.

Hắn bế đứa bé xoay người lại, thấy bà chủ vẫn đứng phía kia líp, cũng thẳng lưng, nhưng hai tay chống nạnh, giận hằm hằm, tuồng như sắp sửa bắt đầu tập thể thao.

"Cả đến mầy cũng làm khổ tao, không đỡ được việc gì hết, chỉ quấy, cả đến cái đèn dầu cũng đổ đi cho được. Tối đây rồi lấy gì mà thắp?..."

"à à, được rồi, đừng khóc đừng khóc." Hắn phớt đều những tiếng nói giận run ấy, bến con bé vào buồng, xoa đầu nó, nói, "em bé ngoan của bố". Thế rồi thả con bé ra, kéo ghế ngồi xuống, để nó đứng giữa hai đầu gối, giơ tay lên, nói, "Đừng khóc nữa, chóng ngoan. Để bố làm "mèo rửa mặt" cho bé xem nhé". Đồng thời hắn ườn cổ ra, lè lưỡi, xa xa liếm hai liếm nhằm cái bàn tay, rồi lấy cái bàn tay ấy xoa hai vòng tròn trên mặt mình.

"Ha ha ha, con Hoa." Đứa bé vùng cười lên.

"Phải đấy, phải đấy, con Hoa đấy." Hắn lại xoa nốt mấy vòng tròn nữa, rồi mới ngừng tay, thấy đứa bé vẫn cười khì khì mắt đeo ngấn lệ nhìn hắn. Thình lình hắn nghĩ thấy, cái mặt ngây thơ đáng yêu của con bé sao mà giống mẹ của nó năm năm về trước, giống nhất là cặp môi đỏ chót, chỉ khuôn khổ nhỏ hơn. Lúc đó cũng là trời mùa đông tạnh sáng, khi mẹ nó nghe hắn nói quyết chống lại mọi sự trở ngại, vì nhau hi sinh, cũng lại cười khì khì mắt đeo ngấn lệ nhìn hắn như thế. Hắn cứ ngồi thừ ra, như có hơi say.

"A a, cặp môi đáng yêu..." Hắn nghĩ.

Cái màn cửa bỗng vắt lên, củi tạ khuân vào rồi.

Hắn cũng sực tỉnh ra, thoáng nhìn, thấy con bé vẫn mắt đeo ngấn lệ, vả lại hé cặp môi đỏ chót nhìn lại hắn. "Cặp môi..." Hắn liếc sang bên kia, củi tạ đang khuân vào, "... e lát nữa cũng vẫn là năm lần năm là hai mươi lăm, chín lần chín là tám mươi mốt!... vả lại hai con mắt còn lạnh lùng nữa kia..." Hắn nghĩ thế, rồi liền cộc cằn vớ lấy tờ giấy khẽ ô màu lục trên có viết một hàng đầu đề và một đống chữ làm tính, vò viên cho nhàu đi, lại mở ra lau nước mắt nước mũi cho con bé. "Em bé ngoan, thôi đi chơi đi." Một mặt hắn đẩy con bé ra, nói thế; một mặt vứt mạnh gùi giấy vào giỏ giấy loại.

Nhưng liền đó hắn cảm thấy đối với con bé có hơi không đang tâm, lại quay đầu, dùng mắt đưa nó đi ra vò võ một mình; trong lỗ tai nghe thấy tiếng những thanh củi. Hắn nghĩ nên yên định tâm thần một chút, bèn quay đầu trở lại, nhắm mắt, dập tắt mọi nghĩ ngợi bâng quơ, lặng lòng nín thở ngồi. Hắn xem thấy trước mắt nổi lên một bông hoa đen hình tròn dẹp, lòng vàng chanh, từ khóe tả mắt bên tả trôi sang bên hữu, tiêu đi mất; tiếp đó một bông hoa màu lục sáng, lòng màu lục đậm; tiếp đó một đống sáu cái bắp cải chồng lên nhau, sừng sựng đối với hắn thành một chữ A rất lớn.

18-3-1924
(Dịch ở Bàng Hoàng)

   




Chú thích

  1. Giấy trắng, kẽ ô vuông màu lục, là thứ giấy ở Trung Quốc, các nhà văn dùng để viết bản thảo. Kẽ ô vuông là để cho tiện việc đếm chữ.
  2. Ở phía bắc Trung Quốc ngày xưa thường có một thứ cướp đường, chúng cưỡi ngựa, chực bộ hành đi qua, bắn một mũi tên làm hiệu, rồi xông ra cướp, gọi là "hướng mã tặc". Ở đây nói theo nguyên văn là "mã tặc", có lẽ tức là "hướng mã tặc".
  3. Trước Cách mạng Tân Hơi, Trung Quốc có rất nhiều học sinh lưu học ở Nhật Bản. Nhưng từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất về sau, Nhật Bản lại bắt đầu xâm lược Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc tẩy chay Nhật Bản mấy lần, thành thử lưu học sinh sang Nhật cũng càng ngày càng hiếm.
  4. Bayon: G.G.Byron (1788-1824); Kêát: J.Keats (1795-1821), hai người đều là nhờ thơ nước Anh.
  5. Ở đây nguyên văn là "lưỡng điếu tứ". "Điếu" là một nghìn đồng tiền, hay là: một nghìn đồng tiền kể là một "điếu". Như vậy, "lưỡng điếu tứ", tức là 2400 đồng tiền. Dịch "hai quan tư" là để cho dễ hiểu, chứ không đúng. Dưới đây cũng thế.
  6. Làm tính thế này thành ra "năm quan tám": 23,5x0,25 = 5,875.
  7. Đây sấp xuống ba dòng đều là tiếng Anh, dòng thứ nhất nghĩa là: Người yêu của tôi, mời dùng cho. Dòng thứ nhì: Mời mình dùng trước, người yêu của tôi. Dòng thứ ba: Không, mời mình dùng trước đi.
  8. Đây cũng là tiếng Anh, nghĩa là: Mời vào, người yêu của tôi.