Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử
của Lê Quý Đôn

Bài kinh nghĩa bằng chữ Nôm của Lê Quý Đôn, lấy đầu bài từ câu "Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử" trong Kinh Lễ.

ĐẦU BÀI


Mày về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái lời chồng (chữ Kinh Lễ: vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô-vi phu-tử).

BÀI LÀM


(Câu phá).— Khuyên con giữ đạo làm dâu, bà già nghĩ đã đến lắm vậy.
(Câu thừa).— Phù[1] con dại cái mang[2], lẽ xưa nay vốn thế. Khuyên con phải kính trọng chồng, há chẳng phải đạo lắm ru!
(Khởi giảng).— Mẹ đưa con ra cửa, ý nghĩ rằng: trong phối định[3] giường đạo cả[4], thực là muôn hóa[5] chi theo ra; mà hôn nhân hai họ giao vui, há để một lời chi trách đến.
(Câu lĩnh mạch) — Mẹ đưa con ra, mẹ càng nghĩ lắm, con ạ!
(Khai-giảng vế trên).— Con, con mẹ, mà dâu, dâu người vậy! Hoặc lời ăn nói chi ra tuồng, tức lành đồn xa, dữ đồn xa, ai bảo rằng con chi còn nhỏ.
(Khai-giảng vế dưới).— Dâu, dâu người, mà con, con mẹ vậy! Hoặc trong cửa trong nhà chi có chuyện, tức yêu nên tốt ghét nên xấu, rồi ra trách mẹ chi không răn.
(Câu hoàn-đề).— Về nhà chồng phải kính phải răn, chớ trái lời chồng, con nhé!
(Trung-cổ vế trên).— Lúc ở nhà nhờ mẹ nhờ cha, về nhà chồng, nhờ chồng nhờ con, nhé! Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời, chớ bắt chước người đời xỏ chân lỗ mũi chi lăng nhăng. Nhủ này con, nhủ này con: đi đến nơi, về đến chốn, việc nhà việc cửa cho siêng năng; hỏi thì nói, gọi thì thưa, thờ mẹ thờ cha cho phải lễ. Kính lấy đấy! răn lấy đấy! Liệu học ăn, học nói, học gói, học mở; khi anh nó hoặc ra xô-xát chi lời, cũng tươi, cũng đẹp, cũng vui cười, chớ như ai học thói nhà ma, mà hoặc con cà con kê chi kể-lể.
(Trung-cổ vế dưới).— Lúc ở nhà là mẹ là con, về nhà chồng là dâu là con, nhé! Khôn cho người giái[6], dại cho người thương, chớ bắt chước người thế mặc áo qua đầu chi khủng khỉnh. Nghe chưa con? Nghe chưa con? Ăn có nơi, nằm có chốn, lời ăn nết ở cho ra tuồng; gọi thì dạ, bảo thì vâng, thờ mẹ thờ cha cho phải đạo. Kính vậy thay! Răn vậy thay! Chớ cậy khôn, cậy khéo, cậy duyên, cậy tài; khi anh nó hoặc nổi bầng bầng chi sắc, thì lạy, thì van, thì lễ phép, đừng học chi những tuồng đĩ-thõa mà hoặc dây mơ rễ mái[7] chi lôi thôi.
(Hậu-cổ vế trên).— Đời có kẻ xem chồng như đứa ăn, đứa ở, thậm đến điều mày tớ chi khinh. Chẳng biết rằng: ngu si cũng thể chồng ta, dẫu rằng khôn khéo cũng ra chồng người. Chẳng suy chẳng nghĩ, lại ra điều cả vú lấp miệng em[8], sao chẳng biết xấu chàng hổ ai chi lý! Mẹ khuyên con giữ đạo cương thường, khôn hèn cũng chịu, hay dở cũng đành, chớ hoặc sinh vênh-vểnh chi môi; khi anh nó quá giận sinh xằng, mẹ con ắt phải mắc bèo trôi[9] chi tiếng.
(Hậu-cổ vế dưới).— Đời có kẻ giận chồng mà đánh con đánh cái, thậm đến điều mày tao chi quá. Chẳng biết rằng: khôn ngoan cũng thể đàn bà, tuy rằng vụng dại cũng là đàn ông. Bạ ăn bạ nói, lại ra điều múa dìu qua mắt thợ[10], sao chẳng biết già đòn non nhẽ chi cơ? Mẹ khuyên con giữ nết thảo-hiền, vọt roi cũng chịu, yêu đương cũng nhờ, chớ hoặc lộ sầm sầm chi mặt, khi anh nó nói dai thêm chuyện, cha con ắt phải mang vớ cọc[11] chi cười.
(Kết cổ).— Con ơi, nhập gia tùy tục[12], mẹ nhủ cho đạo vợ chi thường; xuất giá tòng phu, con phải giữ nhà chồng chi phép.
(Thúc đề).— Thôi mẹ về.

   




Chú thích

  1. Ôi.
  2. Mẹ mang tiếng.
  3. Vợ chồng kết duyên do giời định.
  4. Là tam cương: vua tôi, cha con, vợ chồng.
  5. Đầu các sự sinh hóa.
  6. Giái: nể.
  7. Mái cũng là mây: lôi thôi rút dây nọ động dây kia.
  8. To họng cãi bừa.
  9. Tục ngữ: mẹ vợ như bèo trôi sông: ý nói khinh miệt.
  10. Khoe khéo, khoe tài.
  11. Tục ngữ: bố vợ là vớ cọc chèo: ý nói không coi ra gì.
  12. Theo thói nhà ấy.


Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.