Vì nghĩa quên tình/Vì nghĩa quên tình

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
VÌ NGHĨA QUÊN TÌNH

(Câu chuyện người đi Tây về kể lại)

Khi vợ chồng tôi đã từ-giã nước Việt-Nam quí-báu nhà ta thời tôi sang nước Pháp, ở một nơi gần bờ bể.

Hai vợ chồng tôi ở liền nhà với một ông lão thuyền chài.

Hễ nhà tôi cần đến cá, tôm, sò, hến thời đều trông cả vào một ông lão.

Mọi công việc mua bán gì cung-cấp trong gia-đình tôi thời vợ tôi đều cáng-đáng cả.

Một hôm nhà tôi đi chơi ở ngoài về bảo tôi rằng:

— Này cậu này, con giai ông lão thuyền chài đã đăng vào quân-tịch, tình-nguyện làm lính tòng-chinh rồi đấy.

Tôi vốn biết ông lão ấy tuổi đã già nua, người thời yếu-ớt, đeo bệnh-tật luôn ở trong mình, có một chút con giai tuổi đã hai mươi ba mà người tinh-anh hoạt-bát lắm.

Tính ông lão trầm-mặc ít cười nói với người thiên-hạ nhưng đối với cậu con ông thời ông hỉ-hả rủ-rỉ chò-chuyện cả ngày không chán.

Là vì ông yêu mến con ông mà cậu thiếu-niên cũng yêu mến cha mình, cái ái-tình thật là thâm-chí.

Tôi dù ở gần nhà ông lão, tiếng là hàng xóm láng giềng mà cũng chẳng biết tên họ ông lão là gì. Chỉ có tên cậu con giai ông lão, là vì ông lão thường gọi con trước mặt khách rằng:

— Thằng Jean ra lấy cá cho ông đây!

Hay là:

— Thằng Jean đi xâu tôm để bà đem về con.

Gọi lần nào thời cậu ta tươi-tỉnh chạy lại, cái vẻ hoạt-bát lanh-lợi lưu-lộ cả ra ngoài, trông rất đáng yêu.

Bởi đó nên ai cũng được biết tên cậu là cậu Jean, mà ông là ông lão thuyền chài mà thôi.

Tôi nghe tiếng cậu Jean tình-nguyện tòng-chinh, đem hôm sau tôi bèn đến nhà ông lão để mua tôm cá thay nhà tôi và xem tình-hình nhà ông lão nhân-thể.

Tôi vừa tới nơi thấy ông lão đương ngồi đếm sò, nhà xem vắng-vẻ, chỉ có cái tiếng dùi của ông lão dẽ sò mà thôi.

Tôi vào nhà nhìn lên trên vách thấy có một lá cờ treo trên, dưới có một khẩu súng cổ.

Tôi cho chính đó là cái dấu hiệu của cậu con ông lão đi tòng-quân đó. Tôi mới thư-thả mà hỏi ông lão rằng:

— Con nghe cậu cả nhà cụ tình-nguyện đầu-quân rồi có phải không?

Câu hỏi của tôi buột mồm ra mà tai chờ mãi không được nghe tiếng ông lão đáp. Tôi cũng không hỏi nữa, ông lão cứ nghiễm-nhiên ngồi đếm sò. Chợt cái, thấy dừng dùi lại mà nói rằng:

— Vâng, cũng mong cho thằng Jean nhà tôi nó được hết nghĩa-vụ đối với Tổ-quốc tôi.

Tôi nói rằng:

— Khẩu súng cổ ở trên vách kia là thế nào?

Ông lão rằng:

— Đó là của ông anh tôi để lại, anh tôi đánh trận mà chết.

Tôi rằng:

— Thế thì khẩu súng ấy sao lại đến tay cụ được!

Ông lão rằng:

— Lúc tôi mới 16 tuổi, trốn học ra đi lính, vào làm lính trống trong đội quân anh tôi. Nên khi anh tôi chết trận, tôi nhặt lấy khẩu súng còn sót lại ấy làm một vật kỷ-niệm vĩnh-viễn bi-thảm cùng với đời tôi cùng già.

Tôi rằng:

— Thế ra cụ cũng từng phen tắm đạn gội tên phải chăng?

Ông lão rằng:

— Vâng, tôi đi trận đã bị thương chữa mãi mới khỏi.

Nói xong cởi áo chìa vai ra cho tôi xem, vết thương hãi còn.

Tôi nghĩ trong bụng rằng cậu Jean lúc bình-nhật cũng đã từng nghe quen những chuyện sắt máu gớm-ghê, ông lão mà hay nói chuyện với con là nói những truyện đánh đông dẹp bắc lúc bình-sinh cả.

Ông lão lại nói rằng:

— Bác tôi cũng đi đánh giặc bị quân thù bắn chết. Ông thân-sinh ra tôi cũng tòng-quân xuất-chinh bị gươm đâm thành tàn-tật. Làm dân nước một phen nước có việc cần đến mình, gặp cơ-hội giúp nước được, đem mình hăng-hái mà làm hi-sinh cho nước mới khỏi phụ nghĩa-vụ làm dân.

Đến sau nhân việc riêng nhà tôi mà vợ chồng tôi phải đi nơi khác, khi lại được trở về chỗ đó thì trong các tờ nhật-báo đã thấy biên đầy những tên người chiến-sĩ trận-vong.

Về tới nơi được vài hôm đến thăm ông lão, thành ra ông đã quên hẳn việc con ông đi tòng-quân rồi.

Nhân tôi ngồi nói chuyện buôn tôm bán cá với ông lão, cái thái-độ của ông vẫn như ngày trước.

Trong nhà im lặng chỉ có một vài tiếng xe đi ngoài đường xọc-xạch đưa vào, làm cho mất cái tĩnh-mịch nhà ấy đôi lúc mà thôi.

Tôi lại đưa mắt bên tường thời cái cờ trước trong có sao trắng đã thấy đổi ra cái cờ trong có sao vàng, trong cái sao vàng ấy đã có cái ảnh cậu thiếu-niên ăn-mặc đồ binh-phục, phong-tư phúng-sảng, chung quanh cái ảnh lại viền đen thực giầy thời biết rằng người con ông lão thuyền chài này đã vì nước mà hết giạ trung-thành.

Tôi nhìn thấy thế, mắt hóa quáng, thân hóa run, tai đinh lên không nghe tiếng gì ở ngoài rõ nữa, nước mắt tôi dàn-dụa, trong lòng tôi láng-lênh.

Tôi nghĩ đến cậu con ông lão thuyền chài, than ôi! vừa ngày nào còn làm người với chúng tôi mà tới nay té ra đã làm ma chín suối!

Sao mà thế? Bởi chiến-trường, quân Đức gây nên mà trượng-phu phải vì nước bỏ mình.

Bấy giờ tôi muốn kiếm một câu yên-ủy ông lão mà thảng-thốt không nghĩ ra nhời nói.

Mãi tôi mới nói rằng:

— Tôi xin có lời chia buồn cùng cụ trong cái tang đau-đớn nhà cụ, là tang cậu Jean đi tòng-quân tử-trận.

Ông không nói nửa lời. Tôi biết rằng trong lòng ông lão cũng đau-đớn.

Lúc bấy giờ ông lão cứ xâu chặt cho tôi xâu cá, tôi xách xâu cá muốn đi, song lại dừng chân đứng lại hỏi một lời rằng:

— Thưa cụ chỉ có một mình cậu ấy là trai có phải không?

Ông lão nói rằng:

— Vâng, tôi lấy vợ muộn, thằng Jean đẻ chưa được mấy năm thời mẹ nó ốm mà từ-biệt nhân-thế!

Tôi lại hỏi nữa rằng:

— Thế thời cụ ngậm-ngùi thương tiếc cậu Jean lắm đấy!

Ông lại vụt đứng dậy, quên cả hình-giạng ốm yếu, hăng-hái mà tỏ ra một cái thái-độ nhà quân-nhân nước Pháp rồi nói rằng:

— Không.... không.... tôi không tiếc.... tôi không có tiếc chi con tôi được vì nghĩa mà bỏ mình. Tôi mà có tiếc chỉ là tiếc ở sự già mà thằng Jean nó lại không được cái vinh-dự vì Tổ-quốc hi-sinh tính-mệnh mà thôi.

Cảnh-tượng nhà ông lão thuyền chài, câu chuyện nhà ông lão thuyền chài, thái-độ của ông lão thuyền chài, đến bây giờ tôi đã về nước Nam ta rồi vẫn còn ở trong thần-trí tôi không bao giờ quên.

Tôi là ai?

Là một người đem vợ sang làm ăn bên Pháp vào quãng năm 1914-15-16-17....

Viết năm 1919.