Bước tới nội dung

Văn hóa phương Tây dưới mắt một người Việt Nam bảy mươi năm trước

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Văn hóa phương Tây dưới mắt một người Việt Nam bảy mươi năm trước  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 3 (15 Août 1936), trang 1.

Nhắc lại và bàn qua một bài thơ của cụ Phạm Phú Thứ

Đông phương nhật dĩ xuất,
Tây thổ kê vị minh.
Nha bãi tề chương phục;
Quân tiền tự hữu sinh.
Nhất bôi trà hậu tửu;
Bán diệp thực tiền canh.
Trọng khách đồng diên tiếp;
Đơn xa tá bạn hành.
Sở do đồ kỳ dị,
Vở quái bất đồng tình!

Đó là một bài thơ chữ Hán, đề là "Đông Tây dị thù" của cụ Phạm Phú Thứ làm trong khi đi sứ ở Paris.

Thật là một bài thơ có tính cách trọng yếu, vì nó muốn phê bình văn hóa của Đông và Tây, làm một việc mà duy bọn học giả đời nay mới có làm.

Trước khi bàn qua, tôi xin giải nghĩa từng câu một:

Phương Đông mặt trời đã mọc,
Cõi Tây gà chưa gáy.
Việc quan xong, ai nấy ăn mặc như nhau.
Giữa chiến trường hai người lính tự tình bầu bạn;
Một chén rượu sau khi uống trà xong;
Nửa đĩa canh trước khi ăn bữa.
Vì trọng khách nên vợ chồng đồng ngồi bàn ăn mà tiếp;
Đi xe một mình, mượn người đàn bà để đi cho có đôi;
Hai bên đã noi con đường khác nhau,
Sự không đồng tình với nhau không lấy làm lạ!

Dưới mỗi hai câu thơ, đều có chua nữa, cũng xin dịch ra đây để càng được rõ nghĩa hơn.

Câu 3 - 4: Tục bên Tây khi làm việc quan mới mặc đồ công phục, còn ngày thường hay khi đi chơi, từ vị quốc trưởng trở xuống đến thường dân, ăn mặc đều như nhau. Hai nước đánh nhau mà khi chưa xáp trận thì những chiến sĩ hai bên có quen nhau đều qua lại nói chuyện được, không cấm.

Câu 5 - 6: Về sự ăn uống, bữa ăn tối tươm tất hơn. Trước hết bưng lên nửa đĩa canh (tức là xúp) ăn xong mới ăn đến các thứ khác. Giữa bữa ăn, uống rượu chát; ăn xong, uống trà; sau hết lại dùng rượu thơm và mạnh, mỗi người một chén.

Câu 7 - 8: Chủ có trọng khách lắm mới vợ chồng cùng ngồi bàn ăn để tiếp. Khi đi chơi, ít ai đi một mình: nếu vợ đi vắng thì rủ vợ bạn hoặc chị em gái của bạn cùng xe mà đi, không tị hiềm.

Câu 9 - 10: Người Tây thường nói: sạch ở trong lòng chứ bề ngoài không cần dè giữ. Bởi vậy nhiều điều họ cứ theo ý riêng của mình mà làm càn đi như thế. Thành thử ít hay phân biệt những cái thứ tự về chỗ cội ngọn, trong ngoài, tôn ty.

*

* *

Đọc qua bài thơ, ta chỉ thấy cụ Phạm cử ra một vài phong tục của Tây khác với Đông mà thôi, chứ không có lời gì chê bai cả. Nhưng xem đến những dòng chua ở dưới thì thấy rõ tác giả có ý bất mãn với văn hóa phương Tây, cho rằng không bằng phương Đông, nhất là về sự trật tự giữa xã hội.

Theo Nho giáo, sự phân biệt tôn ty thượng hạ bởi hình thức rất nghiêm. Như võng chia ra giá điều giá xanh; lọng chia ra lọng xanh lọng vàng; lại còn người có phẩm trật nào mới được mặc quần điều áo lam; có chức sắc gì mới được diện khăn vành đẫy bộ. Sự phân biệt ấy trong ý cụ Phạm cho là một cái đạo trị nước không thể khinh bỏ được. Thế mà nhìn một đám người, ai nấy áo ngang lưng, quần bó mông, mùa đen thì đen cả, mùa trắng thì trắng cả, một loạt như nhau, sao cho khỏi cụ bĩu môi mà khinh bỉ cái xã hội không có giai cấp đẳng uy?

Cuộc bang giao của hai nước mà đã đến quyết liệt thì những sự cầm tù hay giết sứ thần của nhau cũng là thường. Việc đó ở đời nay cho là dã man, phạm luật quốc tế, nhưng ở vào thời đại cụ Phạm, người ta có thể làm được cả. Có thể làm được những việc như thế mà xem thấy hai người chiến sĩ của hai nước giao chiến được phép tự tình cùng nhau trước khi lâm trận, thảo nào chẳng lấy làm kỳ?

Nước Nam ta ngày xưa hình như không kể có đàn bà. Nhà có khách ăn cơm, chỉ người chồng tiếp mà thôi, còn vợ, đợi bưng mâm xuống rồi mới ăn lấy của thừa. Dù nhà quan sang cũng vậy. Vậy mà trông thấy cả vợ lẫn chồng ngồi đồng bàn ăn để tiếp khách thì làm cho cụ Phạm ngẩn người mà không nuốt được cũng nên!

Đến cái sự phân biệt giữa trai và gái, lại còn nghiêm lắm, ở phương Đông. Trao tay vật gì cho nhau còn chẳng nên thay, huống gì ngồi cùng xe mà đi dạo. Người Tây không biết tị hiềm về chỗ trai gái, ấy là điều cụ Phạm bất bình hơn hết.

Tóm lại Đông và Tây khác thói như thế, một người Việt Nam bảy mươi năm trước là cụ Phạm Phú Thứ cho rằng tại mỗi bên noi một con đường khác nhau. Con đường khác ấy, cụ muốn chỉ bên Tây thì theo đạo Gia-tô, còn bên Đông thì theo đạo Khổng.

Cái ý ấy cụ còn tỏ ra trong một bài thơ khác, là bài làm giữa khi đi xe hỏa trên đất Pháp. Bài ấy tám câu, bốn câu sau như thế nầy:

Bát chánh thực trù, chân hữu đắc;
Tứ đoan thâm ý tích vô truyền!
Tảo giao Đông thổ kiêm tràng kỷ,
Pha Lý Luân Đôn vị túc hiền!

Dịch nghĩa:

Những việc thực gọi là bát chánh, người Tây cũng có sở đắc nhiều;
Nhưng cái ý sâu về tứ đoan, tiếc không ai truyền cho họ!
Phỏng khiến cõi Đông sớm gồm có được những nghề hay của phương Tây;
thì dù Pháp Anh cũng chưa đủ kể!

Bốn câu nầy cũng có chua nữa:

Câu 5: Phương Đông gọi là bát chánh như việc túc thực, việc lý tài, việc ngoại giao, việc trị bình, cùng những việc khẩn hoang, trấp đạo v.v... đều là thiết thực cả, thì người Tây chăm lo lắm, họ thực hành ra rất giống với sách ta, lại còn có thành hiệu hơn nữa kia.

Câu 6: Đạo của Tây lấy mười điều răn làm gốc. Mười điều răn ấy đem so với đạo Thánh hiền ở phương Đông ta chỉ là bằng với những chỗ thô thiển mà thôi. Bởi vậy xem tính tình của người Tây thấy có nhiều điều như họ chưa mở mang về tứ đoan tức là nhân, nghĩa, lễ, trí. Họ làm việc gì cũng cứ trực tình, phụ khí; về nhân tâm, phong tục cũng cứ để mặc ra sao đó thì ra.

Câu 7 - 8: Trộm nghĩ: Phương Đông như nước Đại Thanh và nước Nam ta có điển lễ văn vật tốt đẹp, đủ mà lập cái gốc chính trị cho vững rồi. Ước gì ta gồm dùng những cái sở trường của họ nữa thì tuy người Anh người Pháp có mạnh ở xứ họ cũng không dám qua đến đây mà ngang dọc như thế đâu!

Xem bốn câu thơ và những lời chua này càng thấy rõ thêm cụ Phạm Phú Thứ khinh bỉ người Tây về phương diện đạo đức luân lý tức ta hay gọi là tinh thần văn minh. Tôi dám bảo rằng cụ lầm. Nhưng, người ở bảy mươi năm trước mà có lầm, ta cũng chẳng có hơi đâu vì người ấy chữa lại làm chi; tôi viết bài này có ý chữa cho nhiều người ở đời nay mà cũng lầm như cụ.

*

* *

Vào khoảng năm 1863, năm cụ Phạm đi sứ đến Paris, tuy nước Pháp lập vua trở lại, nhưng sau mấy lần cách mạng, cái tinh thần bình đẳng cũng đã chan chứa ở giữa xã hội rồi. Thế thì cái sự không phân biệt về giai cấp đẳng uy là một điều hay của người Pháp, ta chẳng còn ngờ gì nữa.

Đến như hai người lính của địch quốc được phép tự tình bầu bạn cùng nhau trước khi lâm trận, là chỗ đủ biểu thị cái chủ nghĩa nhân đạo của các dân tộc phương Tây, cũng nhân đó thấy ra họ biết chia công nghĩa tư tình làm hai việc. Ta thấy vậy, chỉ nên khen họ mà thôi.

Cái thói trọng nam khinh nữ là một nhược điểm chung của nhân loại, ở đâu cũng không khỏi. Nhưng ta phải nhận rằng người Tây ở bảy mươi năm trước cũng còn biết ưu đãi phụ nữ hơn chúng ta. Mình giày đạp đàn bà quá, thấy họ ưu đãi trở lấy làm kỳ, thật cũng là quá đáng.

Chí như sự tị hiềm giữa nam nữ, rất không phải là cái dấu văn minh. Mà lại những giống dân càng dã man chừng nào, càng tị hiềm kỹ hơn chừng nấy. Ta chê họ không biết tị hiềm, ấy là kẻ bước sau trở cười người bước trước!

Cụ Phạm cho rằng tại mỗi phương theo một đạo nên văn hóa khác nhau. Không phải. Tôi từng nói hai cái văn minh khác nhau là về trình độ chứ không phải về tính chất. Tôi nhận rằng những cái phong tục phương Tây mà cụ Phạm ra điều bất mãn đó đều bởi họ có một nền văn hóa cao hơn ta mà ra cả.

Nói người Tây không biết đến nhân, nghĩa, lễ, trí, thật là một câu nói cả gan! Nếu người Việt Nam đời nay mà còn có nói như thế thì quả cái nước này vô phúc!

PHAN KHÔI