Bước tới nội dung

Văn học với bình dân

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Văn học với bình dân  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thần chung, Sài Gòn, số Tết kỷ tỵ (7.2.1929)

Trước đây, hễ nói đến văn học thì chỉ biết là văn học, chớ có khi nào lại nói đến văn học của bình dân bao giờ. Bởi vì đã là bình dân thì gần như mất hết cả mọi sự, một chút quyền lợi gì trong tay cũng không có, nữa là văn học.

Song xét cho kỹ ra thì ở nước nào cũng vậy, cái nền văn học cũng là bắt đầu vun đắp lên từ hạng bình dân. Là vì, văn học của một nước là do lời ca dao của dân gian mà ra, cho nên bình dân là hạng có công lớn đối với nền văn học. Coi như văn học nước Tàu phát nguyên ra bởi những bài thơ ca như bài Kích nhưỡng ca của một người dân già đời vua Nghiêu, cùng những bài thơ ca của kẻ đi làm cu-li, của người đàn bà bị chồng để[1] mà ta thấy nhặt vào trong Quốc phong của Kinh Thi còn truyền lại đến bây giờ. Văn quốc ngữ nước ta cũng vậy, những câu phương ngôn tục ngữ, những câu hát vặt, những cái vè lưu truyền ở cửa miệng người ta, tức là nền văn học của ta đó.

Hồi đầu hết, loài người như cá mè một lứa, chưa có chia ra từng giai cấp, cho nên văn học cũng như các thứ khác, là của chung của một xã hội, mà xã hội lúc ấy tức là bình dân vậy. Đến sau trong đám ấy có kẻ khôn ngoan hơn, mánh khóe hơn, thừa thế mà nhảy lên làm lớn. Mọi quyền khác thì họ đã choán[2] lấy vào tay mình và chia một ít cho những kẻ theo làm lớn với mình rồi, họ cũng lại choán luôn cả nền văn học làm của riêng mình và một hạng người như mình nữa. Bấy giờ trong xã hội mới sanh ra giai cấp mà bọn nầy tức gọi là quý tộc.

Từ khi nền văn học đã thuộc riêng về hạng quý tộc rồi, thì họ coi cũng như đất ruộng, tiền bạc, ngôi thứ, danh tiếng và mọi sự hạnh phước khác, là vật để cung cấp riêng cho một mình họ. Họ lấy mà xài riêng trong đám họ với nhau. Người trên thì dùng văn học để khoe khoang cái oai thế và điều tàn bạo của mình, người dưới dùng văn học để đua bợ người trên, như những bài biểu bài sớ của các quan dâng cho vua mình. Những văn học ấy gọi là văn học của quý tộc.

Văn học là của chung, thế mà bọn quý tộc họ đoạt làm của riêng mình đã lâu đời rồi. Ngày nay bọn bình dân mới nổi lên mà đoạt trở lại.

Từ ngày dân quyền đã thạnh lên trong các nước thì đám bình dân họ toan khôi phục lại cái quyền của họ, và họ cũng toan khôi phục luôn cả nền văn học nữa. Nghĩa là trong văn giới ngày nay người ta chú trọng về bình dân hơn là về quý tộc. Thật vậy, các văn hào thế giới gần đây như ông Tolstoi nước Nga, ông A. France nước Pháp, bao nhiêu những đồ trứ thuật của các ông đều khuynh hướng về phương diện xã hội, về phương diện bình dân cả.

Văn học của quý tộc và của bình dân chẳng những khác nhau mà lại trái nhau nữa. Đại để văn học của quý tộc là giả dối mà của bình dân là thật thà, văn học của bình dân là dễ dàng mà của quý tộc là mắc mỏ[3].

Nói về nước ta, như truyện Kim Vân Kiều là mắc mỏ, đại biểu cho văn học của quý tộc, truyện Lục Vân Tiên là dễ dàng, đại biểu cho văn học của bình dân. Ông Nguyễn Văn Thành đối với những người lính tử trận hoặc giả có lòng thương xót thật chăng, song bài Văn tế trận vong tướng sĩ của ông chẳng qua để mua chuộc cái tấm lòng trung thành của người còn sống, thành ra trong ấy có nhiều lời nói không thật tình, chẳng bù với cái Vè cô Hiên với trò Siêu, trỏng có câu rằng :

Sống dương gian chẳng đặng giao bôi,
Chết xuống âm phủ làm đôi vợ chồng.
Sống dương gian chẳng đặng giao hòa,
Chết xuống âm phủ làm mồ ở chung.
... Làm một bức thư tỏ nỗi ngọn ngành,
Làm sao em cũng thác theo anh phen nầy.

thì cái vẻ thật thà trong lòng dạ của cô Hiên nó líu lô ra là dường nào !

Không những vậy thôi, cũng đồng một việc mà bên quý tộc nói ra một thế, bên bình dân nói ra một thế. Như trong cơn chiến tranh 1914-1918, ở ta đây có nhiều người đi mộ sang đánh giặc bên Tây. Trong độ ấy, hoặc quan toàn quyền Sarraut, hoặc vua Khải Định, hoặc ông Phạm Quỳnh, hễ là diễn thuyết trước mặt đông người cũng đều nói rằng dân An Nam lấy lòng trung thành mà đi tùng chinh để trả ơn nước Pháp. Song thật ra thì không phải vậy đâu, ta hãy lấy chứng cớ ở miệng của bọn bình dân là bọn đi mộ đó. Chính hồi đó ở Trung Kỳ có nhiều cái vè nói về lính mộ, đồn ra trong dân gian. Tôi lược lục ra hai bài sau đây.

Bài thứ nhứt :

Tai nghe nhà nước mộ dân,
những lo những sợ chín mười phần em ôi.
Anh đi ra mặt biển chưn trời,
ơn cha nghĩa mẹ hai nơi chưa đền.
Dầu mà ông Tây bắt làm phên,
nhất thắng nhì bại, không quên cái nghĩa sinh thành.
Xót em vò võ một mình,
anh đi ra biển thẳm non xanh tư bề.
Vai mang khẩu súng lưng dắt lưỡi lê,
thôi thiếp bồng con dại lui về mần ăn.
Ví dầu anh có mần răng,
nơi mô xứng gió vừa trăng em đành.
Phận chàng vạn tử nhứt sanh,
trên thời mây đen kịt, dưới nước xanh dờn dờn.
Tư bề sóng bể như sơn,
đau lòng xót dạ nhiều cơn lắm bớ nàng.
Trăm lạy ông trời đặng chữ bình an,
đóng lon chức Đội về làng hiển vinh.
Làm thịt con heo quy tế tại đình,
rượu chè chàng đãi dân tình một diên.
Tay bắt tay miệng lại hỏi liền :
anh đi ra mấy tháng em có phiền hay không.
Bảy giờ mai bước xuống tàu đồng,
tối tăm mù mịt như rồng với mây.
Hai bên những lính cùng Tây,
quân gia kéo tới chở đầy tàu binh...
....

Bài thứ hai :

. . . . . . . . . . . . .
Xuống tòa ông sứ lựa được rồi,
“mê-rô” ông sứ phát ra ngồi thở than.
Vợ con châu lụy hai hàng,
khuyên em ở lại cho chàng dời chơn.
Anh đi ra mỗi bước mỗi ngừng,
châu sa lụy nhỏ chín mười từng ruột đau.
Thương nhau phải cứ lời nhau,
tri tri vàng đá trước sau một lời.
Anh đi ra mặt biển chưn trời,
khuyên em ở lại một lời bình an,
bảy giờ mai em tuốt xuống Hàn có qua.
Bạc chín chục đồng nhà nước phát ra,
em đem về mua trâu, thuê đất, làm nhà nuôi con.
Chúc cho hai bên cha mẹ vuông tròn,
phận anh đây như khúc gỗ trôi giữa biển, mất còn quản chi.
Biểu em đừng nước mắt lâm ly,
làm lơ giả dại như khi chưa chồng.

Coi hai bài trên đó thì đủ thấy rằng lúc bấy giờ dân sự chỉ vì được tiền thuê mà cất thân ra đi đánh giặc, chớ chẳng có trung thành nghĩa khí gì hết. Họ đi ra mà họ khóc rưng rức với vợ, họ sợ chết hết hồn đến nỗi họ nói rằng “ông Tây bắt làm phên” thì chẳng có chút lòng nào vì việc nhà nước hết ! Lại mong đến những sự “đóng lon đội, về làm thịt heo cúng đình đãi làng” thì thật tả ra cái bụng mộ phẩm hàm, cầu hư vinh của dân ta là cái ngu mà đến ngày nay còn chưa chịu chừa.

Vậy nếu chúng ta không xét đến văn học của bình dân đã phát biểu ra trong hồi người An Nam đi mộ sang đánh Đức, là như hai cái vè trên nầy, mà cứ tin ở những lời phô trương do miệng mấy nhà quý tộc mà ra thì cái điều tri thức của ta nó xa với sự thật là bao nhiêu. Cho nên, cái nền văn học của bình dân lại tức là cái gương để soi mặt xã hội. Muốn tìm sử liệu của một thời đại nào hay là muốn rõ biết nhân tâm phong tục của một nước nào thì do theo cái gì cũng không đúng bằng do theo văn học của bình dân vậy.

Văn học của bình dân cũng tùy theo tri thức của họ mà tấn hóa luôn. Cũng đồng một việc mà cái trình độ của sự cảm giác và sự suy nghĩ của họ mỗi lúc một khác, thì phát ra lời văn cũng mỗi lúc một khác. Trong đó chúng ta thấy rõ ràng có sự tấn hóa.

Ngay như xứ Trung kỳ là nơi hay có sự đói kém, mà sự cảm giác và sự suy nghĩ của dân Trung kỳ đối với lần đói kém mới sau đây có vẻ sâu xa hơn mấy lần trước, là vì, ai cũng thấy rằng, tri thức của họ trong khoảng vài mươi năm nay có mở mang tấn tới hơn ngày xưa. Ta hãy đem hai cái vè nói về năm đói dưới đây mà so sánh với nhau thì thấy.

Trước kia có một lần mất mùa luôn ba năm, trong dân có truyền tụng một cái vè như vầy :

Từ ngày con bướm trắng bay vô,
ba năm trời hạn, cây khô lá vàng.
Nấu cơm hấp những cọng lang,
chuối luộc đầy sàng ăn chẳng biết no.
Nào ai có ruộng có bò,
mua mắc bán rẻ, bán cho nhà giàu.
Ba quan một cái mâm thau,
nồi đồng quan tám, nhà giầu không mua.
Mỗi năm lo nộp thuế vua,
lương chẩn lương thải tới mùa phải ra.
Con nít chí lẫn ông già,
ba ngày gạt gạo đi ra nằm đàng.
Mười đồng một củ khoai lang,
trời làm đói khát thiếp với chàng xa nhau.
Bất nhân là quân nhà giàu,
tôi đi ngõ trước, ngõ sau nó rào.
Chị em gặp chẳng dám chào,
giả lơ tai điếc : “mụ nào kêu chi” ?
Tôi đây cũng đói mần ri,
chị tôi chết trước, tôi thì chết sau.
Nhà giàu kêu đói như đau,
tự nhiên lúa củ năm sau hãy còn[4].
Muốn đi cưới vợ cho con,
sợ chúng ăn hết, hoảng hồn thất kinh.
Ba năm tự miếu chí đình,
không cúng không quải, thần linh cũng hằn.
Thợ rèn thợ mộc đói nhăn,
còn thầy phù thủy mất ăn xôi gà.
Cho đến mụ bóng mụ bà,
thầy địa thầy thuốc nằm nhà chẳng có mà nhai.
Bĩ cực rồi lại thái lai,
mùa lúa cũng được mùa khoai cũng dào.
Ăn mừng hát bội xôn xao,
đi ra gặp mặt chị nào cũng vui...

Trong bài đó tả ra biết bao là cái khổ trạng của nhân dân. Cái thói nhà giàu hễ gặp năm đói thì thừa cơ mà làm giàu thêm và sợ người ta xớt bớt của, đây cũng vẽ ra như hệt. Song coi câu cuối thì thấy dân bấy giờ còn chưa biết lo xa, cho nên hễ gặp đói kém thì khoanh tay ngồi chịu, mà no một cái là hát bội liền !

Cách đây 5 năm, năm tý và năm sửu, hai năm đói luôn, ở Trung kỳ lại có nảy ra một cái vè nữa. Hãy đọc cái vè nầy thì thấy tri thức của họ đã rộng rãi và tấn tới lắm. Cái vè nầy gọi là “Vè giáp tý”, như vầy :

Vè giáp tý:

Lẳng lặng mà nghe
cái vè giáp tý
Cũng vì thiện ý
răn dạy người ta
biểu đừng kiêu sa
vậy mà chịu chết
Kể ra cho hết
khắp cả hoàn cầu
châu Á châu Âu
cũng đều chịu khổ.
Đông Dương một chỗ
nay đặng bình yên
cờ bạc huyên thiên
ăn chơi đủ việc:
chỗ thời hát xiếc
chỗ hát cải lương
kẻ coi hát trường
người coi làm thuật
núp nơi vắng khuất
xì lác, móc gà
thín cẩu, công thoa
bài cào tứ sắc
Khắp cùng nam bắc
đầu đĩ, ca đờn
sung sướng là hơn,
ăn chơi bỏ học.
Mấy thằng cúp tóc
mặc áo cẩm châu,
mấy thằng lái xe
trừu cầu ràng đít
mấy thằng con nít
bận áo thật sang
mấy chú đĩ đàng
ngồi xe làm phách.
Ăn chơi đủ cách,
tưởng đặng thái bình.
Bão lụt thình lình.
Phú Yên, Bình Định,
khắp cùng tám tỉnh,
mưa gió đùng đùng.
Người ta chết hung,
Sông Cầu thứ nhứt,
Cù Mông núi nứt,
Quảng Nam lở thành,
nước lớn thình lình,
ba ngày không dứt,
lúa khoai đều mất,
giá gạo quá cao,
lớn nhỏ lao xao,
cũng đều chịu đói.
Trời làm tai quái,
năm sửu không mưa,
hạn đã chẳng vừa,
thêm sâu sa xuống,
ăn cùng lúa ruộng,
ăn hết bắp bông.
Thập thất cửu không,
trời làm quá thắt!
trời làm quá ngặt,
đói hãy còn lâu,
cầm áo cẩm châu,
đem đi mua gạo,
cầm nồi cầm chảo,
bán áo bán khăn,
bán luôn cả chăn,
mua ăn không phỉ,
Mấy con làm đĩ,
mặt đói xanh dờn,
mấy con ca đờn,
đói đi không nổi,
mấy thằng hát bội,
chịu bỏ vắng trường,
mấy chú cải lương,
trốn đi đâu mất.
Kẻ thì bán đất,
người lại cầm nhà.
Chạy gạo không ra.
phải ăn hột cỏ!
Chơi, trời ghét bỏ,
để đói nhăn răng!
Phải tính làm ăn,
phải lo nghề nghiệp!
Không thời mạt kiếp,
khó nỗi sanh tồn!
Khó mà biết khôn,
đừng dồn lấy dại!

Coi đó thì thấy trong đám bình dân ta ngày nay đã biết có châu Á châu Âu, đã biết rằng trong khi họ lầm than khốn khó mà mình đây lại ăn chơi vui sướng, nói theo nghĩa nhân đạo thì là điều không đáng ; đã biết rằng dân nào không biết lo xa thì bị trời đánh phạt ; đã biết rằng từ rày về sau phải lo làm ăn, học nghề nghiệp để mà sanh tồn ; so với bài trước, sự cảm giác và suy nghĩ đã thấy tiến lên được một bực cao.

Ngày nay là ngày đám bình dân với đám quý tộc tranh đấu nhau. Tranh đấu nhau không phải bằng gươm đao mà bằng tri thức. Tri thức của bình dân mà được mở mang tấn tới như vậy, ấy là đã ló ra cái mòi[5] thắng lợi đáng mừng.

Cái nền văn học của bình dân quan hệ với xã hội là như vậy đó.

Vậy dám khuyên các bậc văn nhân học sĩ trong nước bắt đầu từ đây nên chú trọng về lối văn học ấy. Hãy nghiên cứu nó, hãy luyện tập nó cho càng ngày càng trở nên hoàn toàn để lập thành cái nền văn học chung cho cả nước. Hãy tìm tõi mà tả cho đúng cái sanh hoạt của những người ở trong ruộng rẫy hơn là tả cái cách phong lưu rất mực của các cậu con quan ; thay vì tra khảo cái phổ hệ của một nhà vua, ta hãy thăm tìm cho rõ hết đầu đuôi về chuyện tổ tiên ta ngày trước đầu đội vai mang ở ngoài Trung Bắc mà dời vào Nam Kỳ. Vả lại, về lối viết văn, cũng nên bỏ cái phù hoa đi mà làm cho dễ dàng và thật thà là hơn.

Có kẻ sợ rằng theo lối văn học bình dân thì bỏ mất cái hay cái đẹp đi mà không còn gọi là văn được nữa. Song không can chi. Theo như mấy bài trên nầy, ai dám bảo rằng không hay ? Huống chi ta còn sẽ luyện tập cho hay hơn nữa.

KHẢI MINH TỬ

   




Chú thích

  1. Để: bỏ; bị chồng để: bị chồng bỏ
  2. Choán: cũng như "chiếm"
  3. Mắc mỏ: nghĩa đen là đắt đỏ (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ), ở đây dùng nghĩa bóng, trỏ tính chất cao quý, sang trọng của văn nghệ quý tộc, trái với tính chất giản dị, chất phác của văn nghệ bình dân
  4. Bản gốc là: "hỡi còn", Lại Nguyên Ân sửa lại
  5. Mòi: dấu hiệu, triệu chứng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)