Vũ trung tùy bút/Chương LXIV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Người làng ta là Võ công Thạnh, tổ là Hồng Lĩnh Hầu làm Lưu thủ xứ Hải Dương, cha là Quốc Tử sinh. Võ công khi nhỏ nhà rất nghèo, cha con không thể nuôi nhau được. Người làng đắp lũy, bắt đi phu nhưng sức ông yếu, không kham nổi, phải bỏ đi ra ở chùa Báo Thiên, huyện Thọ Xương, rồi xin vào học cở trường quan Võ công người Mộ Trạch[1]. Trường quan Mộ Trạch khi ấy ở về ngõ Thừa Tứ phía đông nhà Thái miếu. Cậu con quan Mộ Trạch vẫn có tiếng hay chữ ; klhi ông vào nhập môn làm mấy kỳ văn đều đệ nhất cả, cậu công tử ghen tức, dặn anh em đồng môn cứ buổi sớm đón ở trước ngõ, trêu ghẹo làm nhục ông luôn. Ông phải lẩn đi đường khác, nhưng vẫn bị học trò làm khốn khổ đến nỗi sau phải bỏ học, không dám đi nữa. Quan Mộ Trạch hỏi ra mới biết, từ bấy giờ cậu công tử không dám ghen tức nữa. Học nghiệp ông càng ngày càng tiến tới, hơn mười tuổi đỗ Hương nguyên trường Phụng Thiên (thuộc Hà Nội). Hơn hai mươi tuổi, đỗ Thám hoa, làm nên đến Tự khanh, được vào Bồi tụng phủ đường. Chúa Trịnh[2] rất yêu mến. Một ngày kia, gặp bữa ngự thiện[3], Chúa xơi cá chắm rất ngon. Chúa sai lấy một khúc cá dọn cơm mời ông vào cho ăn ở trước mặt. Ông ăn cơm, nhưng để cá lại. Chúa lấy làm lạ bèn hỏi, ông thưa rằng "Xin để dành đem về cho mẹ". Chúa rất khen, lại sai lấy khúc cá khác ban cho mẹ ông. Đến khi lấy ra thì chỉ còn khúc đuôi, ông ăn khúc đuoi ấy, để nguyên khúc trước đem về. Chúa lại càng lấy làm kính trọng lắm. Chưa được bao lâu, vì can ngăn việc nữ sắc, trái ý Chúa, ông bị bãi quan về, mở trường dạy học ở trại Hào Nam, huyện Quảng Đức (tức là làng Thịnh Hào huyện Hoàn Long bây giờ)[4]. Học trò trường ông thành đạt đến hơn bảy mươi người. Ông cùng với ông Nguyễn Đình Trụ[5], người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì đều là bậc sư phạm cho kẻ học giả. Một hôm, nhà ông có giỗ, các học trò làm quan tại triều, đều về họp ở nhà ông. Chợt khi ấy, Trịnh phủ đòi các quan vào hầu. Không có một người nào chực hầu cả. Chúa hỏi, kẻ lại phòng mới thưa thực là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng cho đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu bào hầu. Em ông là Huyên[6], con ông là Huy[7], đều đỗ Tiến sĩ đồng khoa. Ngày vinh qui, ông có câu đối

Đồng triều tam tiến sĩ
Nhất nhật lưỡng vinh qui[8]

người ta vẫn còn truyền tụng. Sau ông mất ở làng Hào Nam, chôn ở xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì. Đến nay danh tiếng vẫn còn truyền. Hành khách đi ngoài quan lộ qua làng ta thường trỏ bảo rằng "Kia là làng cũ quan Võ Thám hoa đấy !".

   




Chú thích

  1. Vũ Công Đạo (1629 - 1714) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông giữ các chức quan, như Đô Ngự sử, Nhập thị Kinh diên, Hữu Thị lang Bộ Hình, Hữu Thị lang Bộ Hộ. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Công, tước bá.
  2. Chúa Trịnh Căn
  3. Bữa cơm của vua chúa
  4. Lúc Nguyễn Hữu Tiến dịch tác phẩm này, đất Hào Nam huyện Quảng Đức bị đổi làm làng Thịnh Hào huyện Hoàn Long thuộc tỉnh Hà Đông. Nay là khoảng khu vực mấy ngõ Thịnh Hào ở quận Đống Đa, Hà Nội
  5. Nguyễn Đình Trụ (1627-1703) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông là em của Nguyễn Quốc Trinh, cha Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Đình Ức. Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
  6. Vũ Huyên (1670 - ?) người xã Đan Luân huyện Đường An (thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Ông là em của Vũ Thạnh và làm quan Đông các Hiệu thư.
  7. Vũ Huy (1686 - ?) người xã Đan Luân huyện Đường An (nay thuộc xã Nhân Quyền huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú quán ở phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Ông là con của Vụ Thạnh và là cháu họ Vũ Huyên). Ông làm quan Hữu Thị lang, được cử đi sứ và bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Hình.
  8. Nghĩa là : Cùng triều ba Tiến sĩ / Một ngày hai lần vinh qui