Vũ trung tùy bút/Chương LXVIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Thể văn tứ lục là một biến thể của lối cổ thi. Lối cổ thi có phong, nhã, tụng, phú, tỉ, hứng, phần nhiều là thể tỉ, thể hứng. Lối văn tứ lục thì chỉ ưa chuộng sự cầu kỳ, chạm trồ, dùng câu đối chọi cho hoa mỹ. Đời Hán, thể văn tứ lục rất hùng hồn, không có kể gì thanh luật cả, đó là lối văn tứ lục cổ thể. Đời Đường mới bắt theo thanh luật, văn từ rất hoa lệ. Đời Tống cứ nhân theo lối văn ấy, nhưng khí lực hơi kém. Từ đời Tống Nhân Tôn trở về sau, có Tô Đông Pha nghĩ ra một thể cách mới. Bài văn tứ lục không câu nệ hình thức, chọn lấy lời văn hoa diễm, chỉ cốt làm những câu đối nhau cho nhất khí, thành ra lối văn riêng một nhà. Đó cũng là một lần biến đổi của thể văn tứ lục. Từ đời Nguyên, đời Minh trở về sau, thể văn tứ lục ý tứ hàm xúc không bằng đời Đường, thể cách hùng hồn không bằng đời Tống, tưởng cũng là khí vận xui nên vậy.

Thể văn tứ lục nước ta thì theo thể văn đời Nguyên, đời Minh. Khoảng năm Hồng Đức, những bài văn tứ lục chép ở trong An Bang thi lục[1] đã từng được người Trung Hoa khen ngợi, xem đó cũng đủ biết được một phần. Ta thường xét những bài văn tứ lục từ đời Lý, đời Trần, đời Mạc và những bài biểu chương, chế sách đời Lê, thì bằng rằng trong khoảng trước sau đời Đoan Khánh[2] chính là một giai đoạn giao thời, trong đục, lên xuống. Từ đời Đoan Khánh trở về trước, những bài văn tứ lục có nhiều câu xuất sắc, mà đại ý, bố cục toàn bài đều có khí phách, không mấy bài kém lắm. Từ đời Đoan Khánh trở về sau, thì văn tứ lục đã thiên về lối phù phiếm tản mạn. Đến đời Lê Trung hưng lại càng tệ, chỉ cầu kỳ từng câu một, còn nói đến thể văn trong hay đục, phù phiếm hay thiển cận, phiền phức hay khô khan, mà châm chước cho thật đúng mức thì ít thấy lắm.

   




Chú thích

  1. Tập sách chép những bài văn tứ lục thi ở thừa tuyên Yên Bang
  2. 1505 - 1509, niên hiệu của Lê Uy Mục