Vũ trung tùy bút/Chương LXXXI
Lễ có chép : người hiếu tử đang lúc có tang ba năm, mệnh vua không đến cửa ; nghĩa là người con trong lúc để tang cha mẹ thì nhà vua không bắt ép ra làm quan. Thế là không nỡ đoạt tình con người ta vậy. Đời gần đây, đang lúc làm quan mà có tang thì duy cá quan văn ban được cáo quan về cư tang ; các quan võ ban, tuy không có việc binh cách, cũng thường hay viện lệ để lại được triệu ra làm quan, lúc vào triều ban, lúc ra để coi quân lính, không hề có sắc thẹn chút nào. Còn như những kẻ sĩ thứ làm việc ở các chốn quan phủ, tuy gặp trọng tang, vẫn ở các tòa công làm việc như thường, không khác gì lúc không có tang, duy chỉ có đổi màu sắc áo xanh, hơi khác với áo màu hỏa minh, gọi là áo màu sừng ; tức là áo có pha sắc vàng mà thôi. Ôi ! Muốn cầu kẻ trung thần ở cửa nhà hiếu tử, mà những kẻ có tang lại cứ ra làm quan như thế, bảo rằng là phải ư ?
Lễ tang, ba ngày thì liệm, bốn ngày thì mặc áo tang, ba tháng mới chôn, hết một năm thì làm lễ tiểu tường, hơn hai năm thì làm lễ đại tường, cách một tháng nữa thì làm lễ đàm tất tức là hết chở. Cái lễ để chở ba năm ấy là dạy cho dân theo bậc trung thường[1]. Vì từ lúc để tang cho đến lúc đàm tất, đầu đuôi chỉ có hai mươi bảy tháng mà thôi. Bụng người con hiếu vẫn thương xót vô cùng, cho nên có kẻ đã hết chở rồi, cầm đàn lên đánh không thành tiếng. Bởi vậy, thánh nhân mới chế lễ ra cho để chở đến ba năm là vừa phải. Đời gần đây, lắm người lại theo thói mê tín chọn ngày chọn tháng, để đến hơn một năm sau mới làm lễ thành phục[2], như thế thì trong hai mươi bảy tháng để chở, thời gian mặc áo gai thủ hiếu không được mấy tháng. Khá thương lắm thay !
Lễ dạy rằng làm việc tang thì không cười. Truyện có nói rằng, Đức Khổng Tử ăn bên cạnh nhà có tang thường không được no. Thế mà thế tục bây[3] giờ, những nhà có tang, sau khi cúng tế, thường mời họp cả làng xóm, bày ra ăn uống linh đình ; kẻ có tang đã quên mất cả lòng báo hiếu cho đấng thân, mà những kẻ đến ăn thì chỉ ăn cho sướng miệng. Những người còn có lương tâm không nỡ nghe nói đến chuyện ấy làm gì. Lại còn những nơi làng xóm thôn quê, cứ theo hủ tục, gặp nhà có tang thì đến họp lại từng lũ để ăn uống. Từ lúc mới mất cho đến lúc chôn, nếu có điều gì không được như ý thì lại viện lệ làng ra để hạch sách, thậm chí làm cho có nhà phải bán cả vườn ruộng để cúng vào cái mồm, cái bụng những kẻ hạch ăn. Thói ấy đã nhiều lần sức cấm mà vẫn không đổi hết được. Thực cũng lạ thay !
Tang lễ có lễ thành phục, nghĩa là sau khi đã liệm rồi thì người trong họ theo thứ tự năm bậc[4] làm lễ mặc áo để tang, chứ có can dự gì đến người chết đâu. Thế tục ngày nay, cứ đến ngày thành phục, thì bày ra cỗ bàn tế lễ linh đình, người làng xóm cũng đến. Hôm ấy đều họp ở nhà tang gia, nào là soạn văn tế, giảng nghi tiết, rồi thì chén anh chén chú, bàn tán huyên thiên, không khác gì một cuộc khánh hội. Không biết những người ấy nghĩ bụng ra làm sao ? Cứ như lễ tang thì chỉ có lễ cúng tổ, lễ khiển điện mới làm lễ điện[5], còn như lễ tế ngu, tế phục, tế đại tiểu tường[6], đàm tất, thì làm lễ tế. Chứ như những lúc triêu tịch thượng thực[7], tuế thời thường tân[8] thì chỉ dâng lễ cúng, chứ không tế. Gần đây, lại còn có tuần thất thất mà lễ tuần bốn chín ngày, lễ tuần trăm ngày, lễ cáo hè, lễ điện hè, lễ tống hè, lễ Trung nguyên đốt mã, những lễ tiết ấy đều là theo lễ nhà Phật, chứ không phải là lễ cổ nhân. Vì theo thuyết Phật, thì người chết cứ bảy ngày một lần duyệt án ở tòa án vua Diêm Vương, đến tháng hè thì dưới minh phủ, nghĩ thương những kẻ tù tội đang lúc nắng nực, có lúc đem xét hỏi để đại xá. Cho nên những ngày ấy tất phải lập đàn chay để cầu phúc. Còn như ngày rằm tháng bảy thì trong kinh Phật cho là tết Trung nguyên, cũng là một ngày dưới âm phủ các quan âm có xét định các tội án. Vì vậy, ngày ấy cũng theo lễ nhà Phật, cúng để độ vong và đốt đồ mã để giúp người chết tiêu dùng. Nhưng những người không hiểu thì cứ đến những ngày ấy lại sát sinh bày cỗ, hội họp thân bằng cố hữu để ăn uống. Vậy, nếu cho cái thuyết nhà Phật là huyễn hoặc, thì cúng tế như thế không phải là lễ để thờ đấng thân. Nếu tin là có thật thì sao những ngày ở dưới âm, duyệt án xét tù, trên dương lại đem tàn sát sinh, làm tội người dưới âm thêm nặng ra. Như thế chẳng nghĩ lầm lắm ru ?
Chú thích
- ▲ Nghĩa là lễ vừa phải, hợp lý, không bất cập, sơ sài quá hay phiền phức, rắc rối quá
- ▲ Phát tang
- ▲ Bản dịch in là "bấy", xét ra không hợp lý, sửa là "bây"
- ▲ Năm bậc gồm trảm thôi (ba năm), cơ niên (một năm), đại công (chín tháng), tiểu công (năm tháng), ti ma (ba tháng)
- ▲ Lễ cúng trước khi chôn
- ▲ Đại tường là lễ giỗ thứ hai
- ▲ Dâng cơm buổi sớm và buổi chiều
- ▲ Cúng cơm mới