Bước tới nội dung

Vũ trung tùy bút/Chương LXXXII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Đời xưa có những lễ tế tiên tổ, như là lễ tế Đế, tế Cáp, tế bốn mùa để hiến thời vật. Những lễ ấy, thì từ Thiên tử đến thường dân, cứ theo thứ tự giảm bớt dần, chứ không phải ai cũng được làm đủ. Còn như ngày giỗ là lễ truy viễn cảm thời[1], phải nên hết lòng nhớ thương, không được bày ra lễ hưởng tế. Sách Lễ ký bảo rằng : người quân tử không phải chỉ là thương xót một buổi sớm, mà là mang tang đến suốt đời. Ý muốn chỉ ngày giỗ vậy.

Khoảng năm Vĩnh Bình đời nhà Hán [2], Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, những người theo đạo Phật cứ đến ngày giỗ phải đón sư về tụng kinh, đốt mã. Đến đời nhà Đường, nếu gặp ngày giỗ, thì Thiên tử và quan tể tướng đem trăm quan đến chùa làm lễ, nghe sư tụng kinh, hàng năm đến quì trước Phật tiền, đốt hương để độ vong. Vì vậy, các nhà sĩ thứ đều bắt chước. Đến đời nhà Tống, gặp ngày giỗ thì làm lễ tế thần, vua ngự ở cung Cảnh Linh, ban cơm cho các nhà sư đến hàng trăm người. Vậy nên các nhà sĩ thứ chuộng đạo Phật cũng ban cơm nuôi sư để cầu phúc, nếu không thì cũng phải đặt lễ điện để tỏ lòng thành. Bởi vì đạo lý ở đời đã sa sút thì tình văn[3] mỗi ngày càng thêm phiền phức mãi ra. Có kẻ hỏi ông Y Xuyên[4] rằng ngày giỗ có bày ra lễ tế không ? Ông Y Xuyên cũng chẳng bác đi. Đến ông Chu Tử<tef> Chu Hy</ref> mới theo nhân tình mà lập ra nghi tiết tế ngày giỗ. Đến đời nhà Minh, lễ tế ngày giỗ thì chỉ tế ở đền Hiếu Kinh, chứ không cáo ở nhà miếu, vì cho lễ tế ngày giỗ là không phải cổ lệ.

Tục nước ta, nhà nào đến ngày giỗ thì hết sức lo tính, thậm chí phải đi vay mượn về làm cỗ bàn để đãi khách, không còn có chút thương nhớ gì cả. Bởi vì càng xa đời cổ thì lại càng làm sai ý cổ đi nhiều lắm. Xét ý ông Chu Tử đặt ra nghi tiết tế ngày giỗ đem hợp với tục lệ của nước ta, thì ngày giỗ phải nên thương xót ; có tế thì lễ tế ấy cũng có thể lấy nghĩa mà làm vậy. Huống chi nước ta cái lệ tế tứ quí[5] đã không ai bàn đến, nếu ngày giỗ mà không đặt ra lễ tế thì trừ những ngày lễ thường tân và các lễ về tục tiết ra, không còn mấy ngày lễ để tỏ được tấm lòng phụng tiên truy viễn[6]. Vậy thì ngày giỗ mà tế, theo tục, có làm cũng không sao. Miễn là không làm cỗ linh đình mời khách ăn uống rộn rịp, mà quên mất cái ý thương xót, kính mến đặt lễ tế về ngày giỗ là được. Thế tục nay cứ nhân ngày giỗ để thết khách, cho là một thói quen đi lại thù đáp lẫn nhau. Ôi ! Cái lễ đi lại thù đáp cũng không nên thiếu, nhưng nhân những lúc cưới vợ, đẻ con, thăng quan tiến chức và những lễ tuế thời thường tân, những lúc ấy đều có thể bày ra để thết khách được, hà tất cứ phải câu nệ đến ngày giỗ mới bày ra ?

   




Chú thích

  1. Cảm với thời tiết, nhớ tới nguồn gốc
  2. 58 - 75, niên hiệu của Hán Minh Đế nhà Đông Hán
  3. Hình thức biểu hiện lễ
  4. Trình Hạo
  5. Bốn mùa
  6. Thờ tổ tiên, nhớ nguồn gốc