Vũ trung tùy bút/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Phủ Phụng Thiên có hai huyện, thuở xưa là Quốc Oai Trung lộ. Các huyện trong phủ Quốc Oai là thượng lộ, còn Thanh trì, Thượng Phúc, Thanh Oai là hạ lộ, đời Lý, đời Trần đều tóm gọi là Uy lộ. Huyện Thọ Xương khi trước là huyện Vĩnh Xương, huyện Thanh Oai khi trước là huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì khi trước là Thanh Đàm ; chữ thanh 清 vì tị húy chúa Trịnh Thanh Vương[1] nên mới phải bớt nét đổi là thanh 青 ; chữ đàm 潭 vì tị húy vua Thế Tôn[2] nên đổi là chữ trì 池. Còn như trung lộ sau đổi là Phụng Thiên hạ lộ ; Thanh Oai sau thuộc về phủ Ứng Thiên ; Thanh Trì, Thượng Phúc sau đổi là phủ Thường Châu ; Vĩnh Xương sau đổi làm huyện Thọ Xương. Những cải cách ấy trong quốc sử đểu bỏ qua không chép. Từ đời Lê Trung Hưng trở về sau đều như thế cả. Sông Nhuệ Giang phát nguyên từ làng Tây Đàm[3], huyện Từ Liêm, qua huyện Thanh Oai, Thanh Trì, phía nam hợp lưu với sông tô Lịch ; những đoạn bờ khoảng giữa, nhiều chỗ nhọn hoắt như mỏ hạc, nên mới đặt tên cái làng ở bờ sông ấy là Nhuệ Giang. Nhân thế cũng gọi tên sông là Nhuệ Giang. Lại còn có tên nữa là Thanh Oai Giang, nên quanh vùng sông ấy gọi là Uy lộ ; Thanh Oai huyện, tả hữu thượng hạ Thanh Oai xã, cũng đều bởi thế cả. Lại như kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với cái ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hàng năm bờ sông bị nước xói, không thể giữ cho khỏi lở được. Đời Lê Trung Hưng, mới đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu, để cho Hoa kiều trú ngụ. Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá làm mỏ hàn chắn phía thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt nạn nước xói lở. Ven sông, về phía nam, dần dần nổi bãi phù sa, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế, những phường Thái Cực, Đông hà, Đông Các[4], nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng Bè, bến Tây Long[5], đều trở thành phố phường đô hội cả.

Quê ta khi xưa là Hồng Lộ (nay là phủ Bình Giang), sau đổi là Hồng Châu, lại phân ra làm hai phủ Thượng Hồng (Bình Giang), Hạ Hồng (Ninh Giang). Huyện ta làng Bùi Xá có ông giám sinh tên là Nguyễn Luật ; khi nhỏ ra chơi chùa làng ấy, ta thấy một cái lò đất nung kiểu Trung Hoa, dưới đáy lò thấy có ghi mấy chữ "Nhân Hồng phủ, Đường An huyện, Bùi Xá xã, Nguyễn mỗ công đức" không biết cái lò ấy là tự đời nào. Huyện ta với huyện Đường Hào khi xưa hợp làm huyện Đường An. Ta thường hỏi cụ Phạm Quý Thích[6] về thời đại thay đổi, cụ cũng không được tường lắm. Còn như làng Hoa Đường nguyên trước là Bồng Thôn thuộc về xã Ngọc Cục, sau Lê Trung Hưng, mới phân ra làm xã riêng. Xem trong Đăng khoa lục ghi chép quán chỉ các đấng tiên hiền thì biết khá rõ.

Làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, nguyên trước là xã Ngọc Ổi, sau đổi là xã Nhị Khê, theo biết hiệu của vị hương hiền là cụ Nguyễn Phi Khanh. Cụ Phong sinh ra ông trạng nguyên Nguyễn Trực[7] người huyện Thanh Oai, là bực ẩn dật không ra làm quan, biệt hiệu cụ là Bối Khê nên làng cụ ở cũng theo biệt hiệu cụ mà gọi là xã Bối Khê.

Khoảng năm Trưng Hưng, làng Đông Ngạc huyện Từ Liêm có đào được cái chuông cổ ở chùa Diên Khánh. Mặt chuông có bài minh "Đông Ngạc phường, Diên Hỗ tự chung, Diên Hựu nhị niên chú, tín hoạn Tôn Trần thi kim nhất lạng" (phường Đông Ngạc, chuông chùa Diên Hỗ, năm Diên Hựu thứ hai đúc xong, người tín đồ làm quên tên là Tôn Trân cúng một lạng vàng). Chữ rất cổ, hỏi thì các cố lão nói rằng phường Đông Ngạc xưa là đất làng Thụy Hương (Chèm), sau mới tách ra làng Đông Ngạc. Còn Như chùa Diên Hỗ mà đổi làm chùa Diên Khánh là bởi tránh phạm húy. Cuối đời Lê, cụ Phan Trọng Phiên có soạn bài khoán văn về việc trùng tu "Chung minh Diên Hựu chi niên, tùng mậu trường thu chi ấm" (Quả chuông khắc năm Diên Hựu[8], cây tùng tốt rợp bóng lâu dài) cũng là trở về cái bài minh chùa Diên Hỗ làng Đông Ngạc vậy.

Huyện Gia Phúc có bốn xã : Đỗ Tùng, Đoàn Tùng, Đào Tùng, Phạm Tùng. Cụ Đỗ Uông[9] có làm bài kí cầu Phú Cốc, gọi là Tứ Tùng, tức là bốn xã trên. Sau để tránh tên húy Triết Vương[10] nên đổi là Tứ Kha.

Trấn An Bang vì tránh tên húy vua Anh Tông[11] nên đổi là An Quảng. Huyện Tân An, Duy Tân, Tân Phúc vì tránh trên húy vua Kính Tông[12] nên đổi chữ Tân thành chữ Tiên. Đạo Tuyên Quang ở về đời vua Tương Dực đế[13] gọi là Minh Quang, nay mới gọi là Tuyên Quang hoặc bảo là vì tránh niên hiệu Minh Đức nhà Mạc[14] nên mới gọi là Tuyên Quang. Song từ đời Lê Thái Tổ, trong sách Thực lục đã gọi là Tuyên Quang rồi, như vậy không phải mới đổi từ đời Mạc. Gia Hưng, Quy Hóa, hại lộ hợp lại làm một, gọi là Hưng Hóa thừa tuyên, chép rõ ở trong sách Phong tục tổng lục. Thanh Hóa ở đầu đời Lê gọi là Thanh Hoa, đến đời Trung hưng cũng gọi là Thanh Hoa.

Vọng Giang về đời Trần là một trấn, khi thuộc đời Minh thì là một phủ. Tam Giang đổi là Tam Đái, đều không biết đổi tự năm nào. Cụ Lê Quí Đôn[15] ở huyện Diên Hà là bậc học thông minh rộng rãi, làm lãnh tụ trong nho lâm, khi sang sứ Trung Hoa, có vào yết kiến quan Đề học tỉnh Quảng Tây là Chu Bội Liên. Ông ta có hỏi huyện Chiểu Lãng ở bên nước Nam nay thuộc về tỉnh, đạo nào ? Cụ Lê Quí Đôn không thể đáp lại được. Khi trở về, hỏi ra thì chính là huyện Diên Hà. Năm Hồng Đức thứ 21 (1491), có định sửa lại bản đồ trong thiên hạ, chia phủ Cao Bình gồm 4 châu thuộc đạo Thái Nguyên. Lúc đời Lê mới trung hưng, người Minh qui định cho họ Mạc ở đất ấy. Họ Mạc giữ đất Cao Bình 47 năm. Nạn nội chiến tiếp diễn liên miên. Câu hát "Con cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non", "Nàng về nuôi cái cùng con / Cho anh còn trẩy nước non Cao Bằng" là của vợ các chú lính phải đi chinh chiến lúc bấy giờ làm ra. Khoảng năm Khang Hi đời nhà Thanh (1662 - 1720), quan trấn thủ Vân Nam là Bình Tây Vương Ngô Tam Quế làm phản, họ Mạc cứu viện cho Ngô Tam Quế nên triều Lê mới tư sang bên Trung Hoa để họ cùng đưa binh sang đánh diệt họ Mạc rồi đặt Cao Bình là một trấn, sai ông Võ Công Vinh lên làm Đốc trấn. Về sau, cứ theo thế, sai quan văn lên làm Đốc trấn, cũng giống như trấn Lạng Sơn, vì Cao Bình, Lạng Sơn, bờ cõi tiếp liền với Vân Nam , Quảng Tây, công văn giấy tờ đi lại, phi quan văn thì không làm nổi chức Đốc trấn ấy.

Lại như Phú Lương sau đổi ra Phú Bình, Đà Dương sau đổi ra Đoan Hùng, Ma Nghĩa sau đổi ra Minh Nghĩa, Cổ Đằng sau đổi làm Hoằng Hóa, Lương Giang đổi làm Thụy Nguyên, Thanh Đàm đổi làm Thanh Chương, Thanh Miệu đổi làm Thanh Miện, Tế Giang đổi làm Văn Giang, Trường Tân đổi làm Gia Phúc, Võ Ninh đổi làm Võ Giàng, Thanh Liêm đổi làm Thanh Liệm, cửa bể Thần Đầu đổi làm Thần Phù, nay đã lấp thành đồng bằng , cửa bể Đại Ác nay đổi làm Đại An, Cổ Hiền khi xưa là một huyện, nay gồm về huyện bên cạnh, Hải Đông khi xưa làm một phủ, nay thuộc cả về trấn ti. Đại loại như thế rất nhiều, không thể kể xiết. Nhưng vì văn hiến không đủ, thế tục không truyền, nên những người hiếu cổ cũng thường phải thở dài mà chịu không thể xét ra cho rõ được.

   




Chú thích

  1. Thanh Vương, tên là Trịnh Tráng (1577 – 1657), miếu hiệu Văn Tổ Nghị Vương, làm chúa từ năm 1623 đến năm 1657, thời Lê Thần Tông, Lê Chân Tông.
  2. Lê Thế Tông Nghị Hoàng đế, tên là Lê Duy Đàm (1567 – 1599), làm vua từ năm 1573 đến năm 1599.
  3. Tức làng Đăm.
  4. Thái Cực sau này là phố Hàng Bạc và ngõ Sầm Công. Đông Hà nay là Hàng Gai. Đông Các nay là Hàng Bạc.
  5. Bến Tây Long ở khoảng sau Nhà hát lớn Hà Nội bây giờ.
  6. Phạm Quý Thích (1760 – 1825), người làng Hoa Đường, huyện Đường An, cùng huyện với Phạm Đình Hổ
  7. Nguyễn Trực (1417 – 1473), người Bối Khê, huyện Thanh Oai, đậu trạng nguyên năm 1442 đời Lê Thái Tông. Cụ Phong ở đây tức là Nguyễn Thì Trung, một cao sĩ đầu thời Lê.
  8. Không thấy có niên hiệu Diên Hựu trong lịch sử Việt Nam (!)
  9. Đỗ Uông (? – 1600), người xã Đoàn Lâm, huyện Gia Phúc, phủ Thượng Hồng, đỗ bảng nhãn triều nhà Mạc, làm quan với Lê Trung Hưng khi nhà Mạc mất, đến chức Hộ bộ Thượng thư.
  10. Triết Vương, tên là Trịnh Tùng (1550 – 1623), làm Chúa từ năm 1570 đến năm 1623 đời Lê Anh Tông, Lê Thế Tông, Lê Kính Tông.
  11. Lê Anh Tông Tuấn Hoàng đế, tên là Lê Duy Bang (1532 – 1573), làm vua từ năm 1556 đến năm 1573.
  12. Lê Kính Tông Huệ Hoàng đế, tên là Lê Duy Tân (1588 – 1619), làm vua từ năm 1600 đến năm 1619.
  13. Lê Tương Dực, tên là Lê Oanh (1495 – 1516), làm vua từ năm 1509 đến năm 1516.
  14. Niên hiệu của Mạc Thái Tổ (1527 – 1529)
  15. Lê Quí Đôn (1726 – 1784), người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, là một vị quan và nhà bác học nổi tiếng dưới thời Lê Trung Hưng.