Bước tới nội dung

Vũ trung tùy bút/Chương XLIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Huyện Trường Tân ở phủ Hạ Hồng ta có đền thờ Đông Hải Đại Vương, tên là Đoàn Thượng. Ông vốn là một vị trung thần đời nhà Lý, đã từng chép ở trong sách Tang thương ngẫu lục. Nay ở các làng An Nhân, An Phú huyện Đường Hào và các làng Hồng Thị huyện Gia Phúc đều thờ làm phúc thần. Lại còn có đền thờ Tùng Giang Đại Vương tên là Nguyễn Phục, người làng Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, nhà ông ở trên sông Tùng Giang. Khoảng năm Hồng Đức, ông theo quân vào Nam chinh[1], đi đốc vận quân lương, lỡ sai hẹn, bèn xin chịu tội quân pháp. Việc này đã chép ở trong sách Ô Châu cận lục[2]. Nay ở Thuận Hóa có đền Tùng Giang thờ làm Thượng đẳng phúc thần. Chỗ nhà ở cũ trên sông Tùng Giang, nay tức là bến đò Thông, còn có mộ chôn ở đấy. Truyền rằng khắp mười hai cửa bể, các nhà ngư hộ đều thờ làm thần, rất linh ứng, cũng như bên Trung Hoa, ở đất Phúc Kiến, có thờ bà Lâm Thiên Phi. Khoảng năm Quý Hợi (1803) đời Gia Long, có chiếc thuyền buôn ghé vào bến Trường Tân, người trong thuyền ăn mặc nói năng đều giống người Nghệ. Khi bán hàng xong, họ quay chiều về nam. Đêm hôm ấy, thấy mộ thần bị đào lên và áo quan khiêng đi mất. Chừng là bọn lái buôn ấy lấy trộm, không biết là ý làm sao.

   




Chú thích

  1. Có lẽ là cuộc chiến tranh Việt - Chăm năm 1471
  2. Sách của Dương Văn An, người Quảng Bình, làm quan đời nhà Mạc ở Ô Châu (tức vùng Thuận Hóa)